Bất động sản

Bán đấu giá nhà tái định cư bỏ hoang: cần đồng bộ các giải pháp

Doãn Thành 05/09/2024 - 15:14

Hàng trăm căn hộ tái định cư đã hoàn thành nghiệm thu nhưng chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực đất đai và ngân sách. Trước thực trạng đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất giải pháp bán đấu giá những căn hộ này.

Bất cập trong quản lý, sử dụng

Nhằm đảm bảo chỗ ở cho người dân có đất ở bị thu hồi trong quá trình xây dựng các công trình hạ tầng công cộng phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, TP Hà Nội đã sử dụng một lượng lớn ngân sách để xây dựng những dự án nhà chung cư tái định cư.

Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà chung cư tái định cư trên địa bàn đã xuất hiện bất cập. Đó là tình trạng nhiều dự án đã hoàn thành xây dựng và nghiệm thu nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, bị bỏ hoang nhiều năm, gây thất thoát ngân sách Nhà nước, lãng phí nguồn lực đất đai.

Theo số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP có 174 dự án nhà chung cư tái định cư. Trong đó, có 9 dự án với khoảng 2.500 căn hộ trong tình trạng chưa đưa vào sử dụng (2 dự án đã hoàn thành chưa được đưa vào vận hành, sử dụng và 7 dự án đang triển khai dang dở).

Dự án nhà chung cư tái định cư Đền Lừ (quận Hoàng Mai) bị bỏ hoang nhiều năm mặc dù đã hoàn thành xây dựng.
Dự án nhà chung cư tái định cư Đền Lừ (quận Hoàng Mai) bị bỏ hoang nhiều năm mặc dù đã hoàn thành xây dựng.

Đáng chú ý, 2 dự án nhà chung cư tái định cư đã hoàn thành là khu nhà ở tái định cư phường Thượng Thanh (quận Long Biên) và khu tái định cư phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) nhằm phục vụ giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, đã bàn giao cho các hộ dân nhưng nhiều năm qua vẫn chưa có ai về ở. Nguyên nhân do dự án được xây dựng tại khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển, sinh hoạt.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thời điểm hiện tại mặc dù vẫn còn một số căn hộ chung cư tái định cư đã hoàn thiện nhưng chưa có người dân đến ở, nhưng tất cả quỹ nhà chung cư tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội đã bố trí cho các dự án trọng điểm trên địa bàn TP có thu hồi đất của người dân. Mới đây, UBND TP đã có chủ trương giao cho UBND các quận, huyện hoàn thiện nhanh công tác bố trí tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi.

“Nút thắt” được mở?

Cũng theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian trước đây khi Luật Đất đai chưa được sửa đổi, bổ sung thì một số khu tái định cư mặc dù đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa hoàn thành công tác nghiệm thu, đồng thời với việc lo ngại về chất lượng công trình nên người dân đã chủ động xin nhận tiền hỗ trợ, bồi thường, thay vì nhận nhà... vì vậy dẫn tới tình trạng bỏ hoang của hàng trăm căn hộ trong nhiều năm.

“Tuy nhiên, từ ngày 1/8/2024, khi Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực thi hành, thì cơ chế hỗ trợ các đối tượng tự lo tái định cư bằng tiền đối với các dự án có chính sách bố trí nhà tái định cư trên địa bàn TP là 6,8 triệu đồng/m2 theo Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND được UBND TP Hà Nội đã hết hiệu lựcthì người dân sẽ không được quyền nhận tiền thay cho nhận nhà nữa” – đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho hay.

Chúng ta đã nhìn nhận được rất nhiều bất cập trong quá trình xây dựng các dự án nhà chung cư tái định cư để phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước triển khai thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề này cần phải khắc phục trong thời gian tới. Còn nội dung liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng và bán đấu giá những căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, tôi cho rằng đây là “1 mũi tên trúng 2 đích” vừa để tạo thêm nguồn cung mới về nhà ở trước tình trạng khan hiếm như hiện nay và cũng để giải quyết tình trạng lãng phí nguồn lực ngân sách, đất đai.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, TS Nguyễn Văn Đính

Trước thực trạng trên, thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện nơi có dự án tái định cư, rà soát, đánh giá nhu cầu về nhà ở tái định cư tham mưu, báo cáo UBND TP theo quy định pháp luật hiện hành. Sau khi đã bố trí các suất nhà ở tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất mà còn (dư) thì đề xuất phương án tổ chức bán đấu giá thu hồi vốn.

Đánh giá về nội dung này, luật sư Trịnh Hữu Đức – Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi để TP Hà Nội đẩy manh tiến để giải quyết tình trạng nhà chung cư tái định cư bỏ hoang trong thời gian qua.

“Với việc các dự án luật mới, đi kèm là những nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật đã chính thức có hiệu lực được xem như đã mở “nút thắt” về pháp lý cho vấn đề nhà tái định cư bỏ hoang. Cụ thể, Luật Nhà ở năm 2023 đã cho phép chuyển đổi công năng sử dụng của nhà tái định cư thành nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Nghị định 95/2024/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2023 cũng cho phép việc chuyển đổi công năng từ nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu về nhà ở cho người dân” – luật sư Trịnh Hữu Đức nhìn nhận.

Đồng quan điểm, chuyên gia về quản lý đô thị, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, rất nhiều dự án nhà chung cư tái định cư được tọa lạc ở vị trí “đất vàng” của Thủ đô nhưng khi xây dựng lại không đáp ứng được những vấn đề về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, nên đã không nhận được sự quan tâm của người dân thuộc diện tái định cư, gây ra tình trạng thất thoát ngân sách, lãng phí nguồn lực đất đai.

“Tất cả những dự án nhà chung cư tái định cư đều được xây dựng bằng tiền ngân sách Nhà nước, nhưng nếu bị bỏ hoang thì cần có giải để xử lý sớm, nhằm tránh thất thoát nguồn ngân sách Nhà nước. Theo tôi, những dự án này Nhà nước cần thu hồi lại và tổ chức bán đấu giá, tạo lập thành nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại để bán cho người dân đang có nhu cầu. Nhưng để làm được việc này thì cần phải đồng bộ các giải pháp, trong đó Chính phủ có thể cho TP Hà Nội một phương án đặc thù” – KTS Trần Huy Ánh kiến nghị.

Trước tình trạng nguồn cung mới các sản phẩm nhà ở trên thị trường thời gian gần đây bị thiết hút trầm trọng, nhưng lại có đến hàng nghìn căn hộ chung cư tái định cư bị bỏ hoang đang trở thành vấn đề “nóng” và gây bức xúc trong dư luận. Chuyển đổi công năng sử dụng và đưa ra bán đấu giá nhằm sớm thu hồi ngân sách cho Nhà nước là giải pháp được nhiều chuyên gia, nhà quản lý ủng hộ.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, từ thực trạng trên trong thời gian tới trước khi tiến hành đầu tư xây dựng các dự án chung cư tái định cư, thì phía cơ quan quản lý cần làm tốt hơn nữa công tác tham vấn cộng đồng dân cư. Cùng với đó, vấn đề về đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng công trình và việc lựa chọn vị trí xây dựng đảm bảo dự án có sự kết nối hạ tầng dịch vụ, tiện ích... cũng cần phải được nghiên cứu kỹ, tránh trường hợp rơi vào “vết xe đổ” như đã xảy ra.

>> Đất đấu giá Hà Nội sốt nóng, cổ phiếu tỷ phú Phạm Nhật Vượng đồng loạt tăng tốc

Dự án Vành đai 3: Các hộ dân bị giải toả sẽ được mua nhà tái định cư trả góp

Nghìn căn nhà tái định cư bỏ trống, chuyển thành nhà ở xã hội được không?

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/ban-dau-gia-nha-tai-dinh-cu-bo-hoang-can-dong-bo-cac-giai-phap.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bán đấu giá nhà tái định cư bỏ hoang: cần đồng bộ các giải pháp
    POWERED BY ONECMS & INTECH