Tỉnh sắp lên TP trực thuộc Trung ương sở hữu 'siêu' sân bay lớn nhất VN, sẽ có thêm lò phản ứng hạt nhân công suất gấp 20 lần hiện tại, kỳ vọng du lịch 'cất cánh'
Tỉnh này đang phấn đấu đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại và là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch.
Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai  thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, Đồng Nai sẽ trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tăng trưởng cao, vượt ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước.
Đến năm 2050, Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại, là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế.
Sở hữu "siêu" sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam
Sau khi được Quốc hội thông qua vào ngày 25/6/2015, dự án sân bay Long Thành – sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam đã chính thức khởi công giai đoạn 1 vào ngày 5/1/2021, dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2025, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không của Việt Nam.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành được triển khai tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Mục tiêu của dự án là xây dựng sân bay Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), trở thành một sân bay quốc tế quan trọng của quốc gia và hướng tới việc trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Sân bay Long Thành được chia thành 3 giai đoạn xây dựng, với mục tiêu đạt công suất tối đa 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Chậm nhất năm 2025, dự án phải hoàn thành và đưa vào khai thác 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ, phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Các giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục mở rộng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án ước tính lên đến 336.630 tỷ đồng.
Sắp xây thêm lò phản ứng hạt nhân mới, công suất gấp 20 lần hiện tại
Năng lượng nguyên tử có rất nhiều ứng dụng trong nghiên cứu và phát triển kinh tế xã hội. Do đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã tái khởi động và tập trung nguồn lực vào lĩnh vực này. Không nằm ngoài xu thế, theo thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Việt Nam và Nga hiện đang hợp tác triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Công nghệ Hạt nhân với mục tiêu tạo ra lò phản ứng hạt nhân hỗ trợ nghiên cứu.
Lò phản ứng hạt nhân mới dự kiến sẽ có dạng bể, công suất 10 MW. Sau khi khảo sát địa điểm và thiết kế sơ bộ, lò phản ứng sẽ được đặt tại TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Ông Nguyễn Tấn Khải - Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân (Bộ KH&CN) cho biết rằng lò phản ứng hạt nhân mới này sẽ có công suất lớn gấp 20 lần lò phản ứng hạt nhân hiện tại ở Đà Lạt. Dự kiến, Trung tâm Khoa học Công nghệ Hạt nhân mới sẽ được khánh thành vào năm 2032.
Nhiệm vụ trọng tâm của lò phản ứng là sản xuất dược chất phóng xạ, sử dụng trong điều trị và chẩn đoán ung thư. Đây được đánh giá là một nhiệm vụ quan trọng bởi mỗi năm có khoảng 180.000 người mắc ung thư, trong khi hiệu suất chữa trị trong nước hiện chỉ đạt khoảng 40%, thấp hơn so với tỷ lệ 70% trên thế giới.
Đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng
Với lợi thế có cả sông, núi, rừng, hồ cũng như nằm ở trung tâm kết nối vùng Nam Bộ với Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, Đồng Nai hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển du lịch. Tuy nhiên, ngành du lịch của tỉnh này vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có.
Năm 2023, mặc dù hạ tầng giao thông và cơ sở lưu trú phục vụ du lịch ở Đồng Nai có tăng nhưng nhìn chung vẫn còn thấp. Các khu và điểm du lịch hiện tại vẫn chưa có sản phẩm và dịch vụ mới đặc sắc để thu hút khách.
Một số dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai hoặc tiến hành chậm. Các dự án triển khai theo hình thức thuê môi trường rừng gặp nhiều khó khăn do quy định của Luật Lâm nghiệp chưa đầy đủ. Đặc biệt, nhân lực và hoạt động quảng bá du lịch cũng còn hạn chế.
Cũng theo các doanh nghiệp lữ hành, du lịch Đồng Nai còn thiếu những sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao để thu hút du khách. Cơ sở vật chất hạn chế, dịch vụ đi kèm chưa đa dạng, dẫn đến chi tiêu bình quân của du khách khá thấp.
Giải pháp của ngành du lịch tỉnh trong năm 2024 tập trung vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng. Ngoài ra, tỉnh sẽ huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, bao gồm các dự án xây dựng khu du lịch, khách sạn, nhà hàng và trung tâm thương mại cao cấp.
Đồng Nai cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các khu và điểm du lịch hiện hữu đầu tư cải tạo nâng cao chất lượng sản phẩm, với trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tâm linh và du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tỉnh sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng nghề và kiến thức về du lịch cho người lao động tại các cơ sở du lịch và cộng đồng dân cư.
Việc sân bay Long Thành đi vào hoạt động vào năm 2025 sẽ mở ra cơ hội vô cùng lớn cho du lịch Đồng Nai. Để tận dụng tối đa cơ hội này, các đơn vị liên quan cũng cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ du khách và tổ chức các sự kiện du lịch  hấp dẫn, xứng tầm.