Tổ hợp hóa dầu lớn nhất Việt Nam quy mô 5 tỷ USD chính thức vận hành thương mại
Đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 5 tỷ USD.
Ngày 30/9, ông Kulachet Dharachandra, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP), thông báo rằng sau khi khắc phục thành công các sự cố kỹ thuật, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn  đã chính thức đi vào vận hành thương mại từ 30/9.
Được biết, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam, được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hóa dầu, trong đó có các nguyên liệu nhựa thiết yếu như polyethylene (PE) và polypropylene (PP), đáp ứng nhu cầu cả trong nước lẫn quốc tế.
"Chúng tôi tin rằng sự vận hành của LSP sẽ mang lại tăng trưởng kinh tế lâu dài và nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp hóa dầu và ngành nhựa tại Việt Nam. Trong khi ngành hóa dầu thế giới đang suy giảm, giá dầu thô biến động khiến chi phí nguyên liệu đầu vào gia tăng, LSP sẽ tập trung tối ưu hóa mô hình hoạt động và nâng cao hiệu quả vận hành để thích ứng với môi trường cạnh tranh toàn cầu”, ông Kulachet Dharachandra chia sẻ.
LSP là công ty thành viên của SCG Chemicals (SCGC), đồng thời là dự án đầu tư quan trọng của tập đoàn này. Với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn được xem là tổ hợp hoá dầu lớn nhất Việt Nam, và là một trong những dự án trọng điểm quốc gia.
Hình ảnh Tổ hợp hoá dầu Long Sơn |
>> Tập đoàn Thái Lan chốt ngày hoạt động dự án hoá dầu 5 tỷ USD tại Việt Nam 
Dự án này được khởi công vào năm 2018 tại xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, và được xây dựng trong thời điểm dịch Covid-19, bao gồm các hạng mục nhà máy nhiệt phân hỗn hợp (nhà máy olefins) quy mô thế giới, các nhà máy polyolefin công nghệ hàng đầu thế giới, cụm cảng – bồn bể chuyên dụng, nhà máy tiện ích trung tâm, cùng các tiện ích liên quan khác, tất cả đều được trang bị công nghệ tiên tiến đảm bảo an toàn và thân thiện với môi trường.
Đáng chú ý, các sản phẩm hạt nhựa từ LSP sẽ giúp giảm lượng nhập khẩu polyolefin, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp hạ nguồn trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các sản phẩm này còn là nguyên liệu cơ bản cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau, như đóng gói bao bì, sản xuất nông nghiệp, thiết bị điện, phụ tùng ô tô và nhiều lĩnh vực khác.
Để tăng cường khả năng cạnh tranh, LSP dự định sẽ đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu đầu vào nhằm nâng cao tính linh hoạt trong sản xuất. Chiến lược này sẽ giúp doanh nghiệp quản lý chi phí hiệu quả hơn theo bối cảnh thị trường và giảm thiểu tác động từ sự thay đổi của giá nguyên liệu.
Theo đó, LSP có kế hoạch tăng tỷ lệ sử dụng khí ethane nhập khẩu làm nguyên liệu, bên cạnh naphtha và propane. Việc sử dụng nhiều ethane hơn cũng góp phần giảm phát thải khí carbon dioxide.
LSP kỳ vọng rằng tổ hợp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành hóa dầu và ngành nhựa tại Việt Nam, đồng thời cam kết cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững.
>> Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tìm hiểu cơ hội đầu tư vào năng lượng tái tạo 
Tập đoàn Thái Lan chốt ngày hoạt động dự án hoá dầu 5 tỷ USD tại Việt Nam 
Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tìm hiểu cơ hội đầu tư vào năng lượng tái tạo