Đây là TP đầu tiên ở Đông Dương và Việt Nam được chiếu sáng bằng đèn điện, mở ra thời kỳ phát triển của ngành sản xuất điện nước ta.
Theo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, vào thập niên 80 của thế kỷ XIX, ở Paris (Pháp), việc sử dụng điện được coi là xa xỉ và tốn kém. Cho đến năm 1888-1889, nước này mới quyết định áp dụng đèn điện để chiếu sáng một số trung tâm hành chính. Trong khi đó, ở Đông Dương, chính quyền thuộc địa cũng đã lên kế hoạch sử dụng nguồn năng lượng mới này.
Theo nghiên cứu của PGS -TS Trần Hữu Quang trong cuốn sách "Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu", Hải Phòng là thành phố đầu tiên  ở Việt Nam có hệ thống đèn điện chiếu sáng vào năm 1892, tức là từ thế kỷ XIX. Sau đó mới tới Hà Nội và Sài Gòn.
Theo Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010, vào năm 1892, chính quyền Pháp quyết định xây dựng nhà máy nhiệt điện than đầu tiên của Đông Dương tại Hải Phòng, nhà máy được đặt tên là Nhà đèn Vườn hoa, với công suất là 750kW.
Vào thời điểm đó, trụ sở toàn quyền Đông Dương được đặt tại Hà Nội, là nơi cư trú và làm việc của các quan chức toàn quyền Đông Dương. Các Dinh Thống sứ và Phủ Khâm sai ở Bắc Kỳ cũng được đặt tại Hà Nội, trong khi các Dinh Thống đốc và Phủ Thống đốc Nam Kỳ đặt tại Sài Gòn. Toà Khâm sứ Trung Kỳ được đặt tại Huế. Với những thông tin này, thì lý ra Hà Nội hoặc Sài Gòn mới nên là nơi được cấp điện trước tiên.
Tuy nhiên, người Pháp muốn xây dựng Hải Phòng thành một đầu não kinh tế mạnh của Đông Dương với những lợi thế của một thành phố cảng. Từ năm 1888, Pháp đã có những nỗ lực mạnh mẽ để chuyển Hải Phòng từ một khu dân cư nghề cá thành cảng biển đông đúc nhất miền Bắc.
Hoạt động thương mại tại cảng đã được mở rộng, đồng thời kéo theo sự phát triển của các tuyến đường hàng hải quốc tế. Năm 1902, tuyến đường sắt từ Hà Nội đến Hải Phòng được vận hành. Chỉ trong vài thập kỷ, Hải Phòng đã phát triển mạnh mẽ với nhiều doanh nghiệp sản xuất cơ khí, đóng tàu, luyện kim, nhà máy sản xuất gạo, bia và rượu.
Ngoài ra, vào năm 1899, Công ty xi măng Portland Đông Dương (Société des Ciments Portland artificiels de l'Indochine) đã khởi công xây dựng nhà máy xi măng đầu tiên ở Đông Dương. Tất cả các hoạt động này đều cần đến điện năng.
Thêm vào đó là việc vận chuyển than từ Quảng Ninh về Hải Phòng thông qua đường thủy thuận lợi hơn so với vận chuyển ra Hà Nội. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hải Phòng trở thành nơi đầu tiên có hệ thống đèn điện chiếu sáng tại Việt Nam và toàn cõi Đông Dương.