TP. HCM đối mặt với bài toán 'có tiền mà không tiêu được', giải pháp nào?
Đây là vấn đề rất "nhức nhối" tại TP. HCM khi lãnh đạo thành phố rất quyết liệt nhưng kết quả giải ngân vẫn chưa như kỳ vọng.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam sáng ngày 15/8 do Báo Lao Động tổ chức với chủ đề "Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công", các chuyên gia và đại biểu đã đưa ra các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công - một trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, đây là vấn đề nhức nhối tại TP. HCM dù lãnh đạo đã rất quyết liệt nhưng kết quả giải ngân vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Bài toán "có tiền nhưng không tiêu được" đang rất nhức nhối
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) - Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP. HCM (HFIC) chia sẻ tại Diễn đàn cho biết, những điểm nghẽn hiện nay tại TP. HCM, đó là cơ chế quy hoạch, phê duyệt, đấu thầu. Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở cách thức vận hành, phối hợp không đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng và chủ đầu tư.
"Nghị quyết 98/2013/QH15 hiện chỉ ở bước thăm dò, chưa tháo gỡ mạnh mẽ. Cần phân cấp phân quyền rõ ràng giúp TP. HCM giải quyết vấn đề này hiệu quả. Bên cạnh đó, Thành phố cần có sự quyết liệt, mạnh dạn hơn trong vận dụng Nghị quyết 98", ông Hòa nói.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch cho biết, trong 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế là đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu thì đầu tư công đang là vấn đề rất "nóng". Tình trạng "có tiền nhưng không tiêu được" khiến cho tỷ lệ giải ngân thấp. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước mới giải ngân được gần 30% và con số này ở TP. HCM thậm chí chỉ đạt 15%.
Ông Lịch cho biết, Nghị quyết 98 cho phép tách dự án thành 2 phần, gồm phần đền bù và xây dựng, từ đó tạm ứng ngân sách để đền bù trước nhằm giải quyết tắc nghẽn. Tuy nhiên, đối với những dự án đang thực hiện dang dở thì lại chưa áp dụng được. Nếu Nghị quyết 98 tiếp tục mở rộng phân cấp phân quyền về các thủ tục sẽ thúc đẩy tích cực đầu tư công và huy động nguồn lực, hạ tầng xã hội.
TS Trần Du Lịch nêu ý kiến tại diễn đàn (Ảnh: BTC) |
"Với Nghị quyết 98, TP. HCM thuận lợi khi được quyết định các dự án thuộc nhóm A, rút ngắn được một phần thời gian thi thực hiện dự án. Tuy nhiên, khi quyết xong đến lúc triển khai thì "trùng trùng điệp điệp" nội dung tiếp theo phải làm như quy định chung", chuyên gia này nhìn nhận.
Cũng theo TS. Trần Du Lịch, lãnh đạo TP. HCM rất tâm huyết tập trung chỉ đạo giải ngân đầu tư công, gỡ từng điểm để bảo đảm đạt mục tiêu từ đây đến cuối năm triển khai nhanh với số vốn 79.000 tỷ đồng. Hiện UBND TP. HCM và Sở ngành liên quan đã phân loại nhóm dự án giải ngân được trong tháng 7,8,9,10/2024.
Rút bớt thủ tục
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhấn mạnh việc giảm bớt các thủ tục là giải pháp quan trọng.
"Nhiều khi chỉ vì lý do an toàn, chúng ta phải xin ý kiến từ tất cả các sở, ngành dù không liên quan. Chỉ nên xin ý kiến từ những đơn vị thực sự cần thiết và đặt ra thời hạn trả lời rõ ràng", ông Việt khuyến nghị.
Ông Việt cũng gợi ý rằng, TP. HCM nên phát triển đầu tư công gắn liền với văn hóa và du lịch, như cách mà Trung Quốc đã thực hiện ở Nam Kinh, nơi một vùng đất hoang sơ đã được biến đổi thành khu vực phát triển nhờ kết hợp nguồn lực Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Mô hình này có thể là hướng phát triển tiềm năng cho TP. HCM.
"Chính quyền phối hợp với người dân địa phương giải phóng mặt bằng, trả tiền đền bù, xây nhà tái định cư để ổn định chỗ ở và kết hợp lấy nhà cổ xưa của người dân chuyển thành cổ phần. Vì vậy, người dân vẫn được lao động ở nơi từng sinh sống và cuối năm được chia cổ tức", chuyên gia này cho biết và gợi ý TP. HCM có thể phát triển theo hướng tương tự.
>> Hơn 100.000 khách hàng được hỗ trợ vay 350.000 tỷ đồng 
Hơn 100.000 khách hàng được hỗ trợ vay 350.000 tỷ đồng 
Ngành giao thông đăng ký giải ngân thêm 77.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2025