TP. HCM nối thông với Tây Nam Bộ qua 2 tuyến đường chiến lược nghìn tỷ
Hai tuyến đường nối Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ sẽ gia tăng kết nối giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội 2 khu vực.
Hai tuyến đường quan trọng là đường ven biển phía Nam và Quốc lộ 50B  đã được đưa vào quy hoạch TP. HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, TP. HCM sẽ phát triển một trục giao thông mới dọc theo ven biển phía Nam, kết nối từ Tiền Giang, qua huyện Cần Giờ (TP. HCM), Đồng Nai  và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến đường này cũng là một phần quan trọng của mạng lưới đường bộ ven biển phía Nam, dài 428km, chạy xuyên suốt từ TP. HCM đến Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến đường đi qua các tỉnh, thành gồm TP. HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, trong đó đoạn qua TP. HCM dài gần 21km.
Đường ven biển phía Nam được thiết kế với quy mô 4 làn xe, vận tốc giai đoạn 1 đạt 80km/h. Bên cạnh đó, TP. HCM cũng sẽ xây dựng một nhánh đường kết nối cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - cảng biển lớn của khu vực Đông Nam Á nằm ở cù lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ. Nhánh đường này tiếp tục nối cảng Cần Giờ với cảng Phước An (Đồng Nai) và cao tốc Bến Lức - Long Thành, hình thành mạng lưới giao thông liên kết đồng bộ giữa các cảng biển lớn trong khu vực.
Việc xây dựng tuyến đường ven biển phía Nam không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa miền Tây và TP. HCM mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long đến các cảng xuất khẩu lớn ở TP. HCM và Đồng Nai, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế vùng.
Với Quốc lộ 50B, đây là tuyến giao thông huyết mạch nối TP. HCM qua Long An đến Tiền Giang, giữ vai trò quan trọng trong kết nối miền Tây với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tuyến đường dài 55,4km với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 28.600 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua TP. HCM dài khoảng 5,8km, đi qua huyện Nhà Bè và Bình Chánh, được thiết kế rộng 40m với 6 làn xe, tổng vốn đầu tư sơ bộ gần 5.300 tỷ đồng. Đoạn qua Long An dài 35,6km với mức đầu tư khoảng 16.208 tỷ đồng, trong khi đoạn qua Tiền Giang dài 14km cần vốn đầu tư 7.170 tỷ đồng.
Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao TP. HCM, Long An và Tiền Giang chủ trì nghiên cứu các phương án đầu tư, làm rõ cơ cấu nguồn vốn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp cần hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ba địa phương sẽ phối hợp hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp thẩm quyền xem xét.