Công nghệ

Trí tuệ nhân tạo không chỉ là cuộc chơi của người giàu

Thế Vinh 09/05/2024 - 11:16

CEO và đồng sáng lập gã khổng lồ phần mềm tự động hoá Appian nhận định, tiền không phải yếu tố quyết định đến thành công khi chạy đua phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Matt Calkins, trong buổi phỏng vấn với CNBC cho biết, mặc dù những gã khổng lồ Internet như Microsoft, Amazon và Google đang đầu tư hàng tỷ USD cho công nghệ mới nổi, nhưng đây không phải lĩnh vực có thể “dùng tiền để đẻ ra tiền”.

Nhận định này ám chỉ những thoả thuận giá trị cao mà Microsoft hay Amazon vừa thực hiện với OpenAI và Anthropic.

Công ty sản xuất Windows đã đầu tư tổng cộng 13 tỷ USD vào OpenAI, thoả thuận cho phép Microsoft có cổ phần trong startup AI “nóng” nhất hiện nay và đưa mô hình ngôn ngữ GPT lên nền tảng đám mây của hãng.

Tương tự, Microsoft có thoả thuận với Mistral trị giá khoảng 16 triệu USD cổ phần trong công ty AI trụ sở Pháp.

Trong khi đó, Amazon vừa rót 4 tỷ USD vào Anthropic, công ty sở hữu hệ thống AI Claude. Cổ đông của hãng AI này còn có gã khổng lồ tìm kiếm Google, với khoản đầu tư 2 tỷ USD.

107386763 1710330203990 gettyimages 1998660059 2024 2 9dfdfe.jpeg copy.jpg
Không phải cứ đổ tiền là sẽ có thành công trong lĩnh vực AI.

Những thoả thuận của Microsoft hay Amazon đang rơi vào tầm ngắm của cơ quan chức năng Vương quốc Anh với lo ngại chúng có thể làm giảm sự cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, Calkins cho rằng, bất kể những thương vụ trên là đầu tư hay thâu tóm đe doạ đến cạnh tranh lành mạnh hay không, thì luôn có “khoảng trống” trong lĩnh vực AI để những nhà sáng tạo thể hiện tài năng.

“Đây là thị trường dành cho những người thông minh. Việc có đủ tiền để mua một phần hay toàn bộ những startup như Anthropic hay Mistral cũng ấn tượng, nhưng tiền không phải là tất cả trong thị trường này”, CEO Appian nói. “Nếu chỉ dùng tiền thì những gã khổng lồ như Google đã chiến thắng từ lâu” - ám chỉ để thương vụ thâu tóm DeepMind trị giá 500 triệu USD.

Theo nhà sáng lập Appian, “sẽ có những thuật toán AI khác nhau dành cho mục đích khác nhau và chúng sẽ có giá trị hơn hoặc kém đi phụ thuộc vào cách thức chúng ta sử dụng dữ liệu để huấn luyện”.

Với quan điểm này, cách duy nhất để hệ thống AI trở nên thực sự thông minh và hữu dụng là phải thấu hiểu người dùng muốn gì trong các tác vụ hằng ngày. “Nền tảng AI tốt nhất là nền tảng được đẩy dữ liệu vào, chứ không phải là ai mua được hệ thống lớn nhất”.

Dữ liệu là yếu tố tiên quyết

Cuộc đua AI ngày nay đang chuyển sang hướng “bao nhiêu dữ liệu có thể tiêu thụ” hơn là hệ thống thông minh đến đâu.

Các gã khổng lồ công nghệ đang “làm mọi cách để lấy hầu hết dữ liệu”, nhưng cuộc chơi sẽ khó khăn hơn.

Hiện nay chưa có bộ luật chặt chẽ nào ngăn chặn các Big Tech thu thập dữ liệu đào tạo AI dẫn đến vi phạm quyền riêng tư. Chính phủ Mỹ vẫn đang loay hoay với quy trình cấp liên bang, trong khi đó châu Âu có sự khởi đầu “thuận lợi” hơn.

Lý giải điều này, Calkins cho biết một phần là do chính phủ tại Mỹ có cách tiếp cận quá “thân thiện” với những doanh nghiệp công nghệ.

Vào tháng 3, EU đã chính thức phê chuẩn Đạo luật AI - bộ quy tắc toàn diện đầu tiên quản lý lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Các doanh nghiệp cần rõ ràng về cách họ có thể sử dụng AI một cách an toàn và đảm bảo những thứ như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quyền riêng tư cá nhân của người dùng.

“Chúng ta cần một sân chơi rõ ràng và các công ty cần biết những dữ liệu nào được phép sử dụng”, CEO Appian kết luận.

>> Siêu cường so găng tại lĩnh vực nghìn tỷ USD, hé lộ 4 lý do khiến Mỹ bỏ xa Trung Quốc

Trí tuệ nhân tạo sắp đến phân tích thùng rác nhà bạn

Thành lập Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/tri-tue-nhan-tao-khong-chi-la-cuoc-choi-cua-nguoi-giau-2278876.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Trí tuệ nhân tạo không chỉ là cuộc chơi của người giàu
    POWERED BY ONECMS & INTECH