Theo tờ The New York Times, các nhà hàng và cửa hàng tạp hóa hiện đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích những gì mà họ bỏ đi nhằm chống lãng phí thực phẩm.
Chất thải thực phẩm là một vấn đề lớn của Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung. Theo Insider, khoảng 30% đến 40% thực phẩm ở Mỹ không được ăn và bị vứt bỏ. Phần lớn thực phẩm bị lãng phí đó kết thúc ở bãi rác thay vì được xử lý.
Để chống lại sự lãng phí này, các công ty  đang đào tạo AI để phân tích rác thải từ các nhà hàng và các khoản mua sắm tại cửa hàng tạp hóa để xác định thực phẩm nào - và bao nhiêu trong số đó - đang bị loại bỏ. Sau đó, họ có thể sử dụng dữ liệu  để quyết định có nên mua ít hơn một sản phẩm  nhất định hay không dựa trên số lượng bán hoặc được tiêu thụ so với việc vứt bỏ.
Chẳng hạn, Afresh dùng AI để theo dõi hàng tồn kho và mua sắm tại cửa hàng tạp hóa. Công ty đặt mục tiêu "loại bỏ chất thải thực phẩm và làm cho thực phẩm bổ dưỡng dễ tiếp cận hơn", theo CEO Matt Schwartz.
Winnow có cách tiếp cận tương tự với các nhà hàng. Công ty lắp đặt camera phía trên thùng rác, sau đó AI giám sát để đánh giá thực phẩm nào sẽ lãng phí và bao nhiêu bị loại bỏ.
Với dữ liệu trong tay, các nhà hàng có thể mua thực phẩm đang bị vứt vào thùng rác với số lượng ít hơn, hoặc thậm chí xóa hoàn toàn những mục đó khỏi menu. Winnow cho biết họ đã giúp các nhà bếp của nhà hàng cắt giảm chi phí mua hàng lên tới 8% bằng cách giám sát rác và xử lý chất thải.
Vấn đề lãng phí thực phẩm là có thật, đặc biệt là khi dân số toàn cầu ngày càng tăng, dự kiến vượt quá 9 tỷ vào năm 2050. Những người sống trong nghèo đói đang dành 50% đến 80% thu nhập của họ cho thực phẩm, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc. Giảm lãng phí thực phẩm có thể làm giảm áp lực lên nguồn cung cấp nước và giảm nạn phá rừng, cơ quan này cho biết.
(Theo Insider)
FPT Japan cán mốc doanh thu nửa tỷ USD, lên kế hoạch lọt top công ty lớn ở Nhật vào năm 2027 
ADB duy trì quan điểm tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025