Trump nhắm vào gian lận phi thuế quan: Thách thức mở ra cơ hội để Việt Nam chuyển mình trong chuỗi giá trị toàn cầu
Mức thuế đối ứng 46% mà Hoa Kỳ đưa ra là một cú sốc, nhưng đồng thời cũng là chất xúc tác để Việt Nam buộc phải thay đổi cách tiếp cận phát triển. Doanh nghiệp tìm cách vượt qua khó khăn trước mắt, mở ra cơ hội khẳng định vị thế mới trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social vào sáng ngày 21/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump chỉ ra 8 hành vi mà ông gọi là "gian lận phi thuế quan" đang diễn ra trong thương mại quốc tế.
1. Thao túng tiền tệ
2. Thuế VAT đóng vai trò như thuế quan và trợ cấp xuất khẩu
3. Bán phá giá
4. Trợ cấp xuất khẩu và các khoản trợ cấp khác từ Chính phủ
5. Tiêu chuẩn nông nghiệp bảo hộ (ví dụ: cấm ngô biến đổi gen ở EU)
6. Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo hộ (ví dụ: bài kiểm tra quả bóng bowling của Nhật Bản)
7. Hàng giả, vi phạm bản quyền và trộm cắp sở hữu trí tuệ (trên nghìn tỷ USD/năm)
8. Chuyển tải hàng hóa để trốn thuế quan!!!
Trước đó, ngày 2/4/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump đã ký ban hành Sắc lệnh Hành pháp áp dụng mức thuế đối ứng mới lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Việt Nam thuộc top quốc gia bị áp mức thuế cao nhất – lên tới 46%. Đây là một bước ngoặt lớn trong chính sách thương mại quốc tế của Hoa Kỳ, thể hiện xu hướng bảo hộ, đơn phương và khó lường trong điều hành chính sách thuế quan.
Theo ông Trump, Việt Nam đã áp mức thuế và rào cản thương mại 90% với Mỹ, nên bị áp mức thuế 46%. Đáng lưu ý, 90% là con số Mỹ tự đánh giá về tổng các rào cản thương mại Việt Nam áp dụng lên hàng hóa Mỹ, tức không chỉ gồm thuế quan, mà còn có cả các rào cản phi thuế quan và nhiều yếu tố khác.
Trong đó, thuế quan trực tiếp, Việt Nam thực tế chỉ áp thuế nhập khẩu từ 5% - 10% lên hàng hóa Mỹ.
Trước đó, tại Báo cáo Ước tính Thương mại Quốc gia về Rào cản Thương mại Nước ngoài - tài liệu toàn diện đánh giá các rào cản thương mại ảnh hưởng đến xuất khẩu của Hoa Kỳ do Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) phát hành, Mỹ đã chỉ ra Việt Nam có các rào cản và thủ tục rườm rà làm ảnh hưởng tới hàng Mỹ.

Danh sách của Trump không chỉ là lời cảnh báo chung chung, mà còn phác họa rõ những điểm Việt Nam cần cải thiện nếu muốn giữ vững vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hoa Kỳ đã có những lần nhắc tới Việt Nam trong các tiêu chí bị ông Trump coi là gian lận phi thuế quan. Cụ thể:
Currency Manipulation (Thao túng tiền tệ)
Thời điểm kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng (2020), Tổng thống Trump từng tuyên bố Việt Nam và Thụy Sĩ là các quốc gia thao túng tiền tệ do các biện pháp can thiệp thị trường nhằm làm yếu đồng nội tệ. Tuy nhiên, “nhãn dán” này đã được gỡ bỏ năm 2021 (nhiệm kỳ của ông Joe Biden).

Điều 2: Thuế VAT đóng vai trò như thuế quan và trợ cấp xuất khẩu
Trong cuộc đàm phán thuế quan, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho rằng việc Việt Nam áp dụng VAT 10% và các tiêu chuẩn kỹ thuật không minh bạch đã tạo ra rào cản đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, thậm chí ngay cả khi thuế nhập khẩu được giảm xuống 0%. Theo Mỹ, Việt Nam vẫn sử dụng thuế VAT như một rào cản thương mại, làm giảm sức cạnh tranh của hàng Mỹ.
Điều 3: Dumping Below Cost (Bán phá giá dưới chi phí):
Phía Mỹ từng tiến hành điều tra chống bán phá giá với nhiều sản phẩm của Việt Nam nhiều năm qua như: thép, tôm, lốp xe... Đã có những trường hợp Mỹ kết luận hàng hóa VN bán phá giá với mặt hàng thép, quần áo, thuốc,…
Mới nhất, ngày 7/3, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho biết, ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ đã nộp đơn kiện yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm sơ mi rơ moóc và các cụm lắp ráp nhập khẩu từ Mê-xi-cô, Thái Lan và Việt Nam.
Điều 4: Export Subsidies and Other Govt. Subsidies (Trợ cấp xuất khẩu và các hình thức trợ cấp khác của Chính phủ)
Tương tự như bán phá giá, Hoa Kỳ đã nhiều lần mở các cuộc điều tra thuế chống trợ cấp với cáo buộc nhận trợ cấp không công bằng từ Chính phủ đối với một số ngành công nghiệp Việt Nam như gỗ, sợi, lốp xe...
Điều 5: Counterfeiting, Piracy, and IP Theft (Làm hàng giả, vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ)
Việt Nam thường xuyên nằm trong Danh sách Theo dõi (Watch List) của Báo cáo Đặc biệt 301 (Special 301 Report) của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) về các vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm vi phạm bản quyền trực tuyến, hàng giả và những thách thức trong thực thi pháp luật.
Báo cáo của USTR nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp Hoa Kỳ thường gặp phải những trở ngại liên quan bảo vệ sở hữu trí tuệ. USTR chỉ ra mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến trong việc cải thiện khuôn khổ IPR của mình, nhưng vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc thực thi các luật này. Việc sử dụng trái phép các tài liệu có bản quyền, hàng giả và vi phạm bản quyền vẫn tiếp tục gia tăng, làm suy yếu lợi ích của các doanh nghiệp Hoa Kỳ và kìm hãm sự đổi mới. USTR đã kêu gọi Việt Nam tăng cường nỗ lực thực thi và thống nhất chính sách để tạo ra một môi trường thuận lợi cho đầu tư nước ngoài và trao đổi công nghệ tích cực.
Điều 8: Transshipping to EVADE Tariffs!!! (Chuyển tải hàng hóa để trốn thuế quan!!!):
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ: “Phía Mỹ hiện đang bày tỏ lo ngại rằng Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc nhằm né tránh thuế quan”.

Thủ thuật “mượn xuất xứ” cho hàng hóa được thực hiện nhằm tránh thuế quan áp lên quốc gia xuất xứ ban đầu.

Mặc dù phía Hoa Kỳ đã tuyên bố tạm hoãn áp dụng thuế riêng trong vòng 90 ngày để mở đường cho đàm phán, nhưng nguy cơ về thuế đối ứng vẫn đang hiện hữu và rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam – đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ – thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất trong kim ngạch xuất khẩu của chúng ta.
Trước thách thức từ chính sách thuế đối ứng mới của Hoa Kỳ, Việt Nam đang bước vào giai đoạn 'đếm ngược' 90 ngày quan trọng tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu.

Tại Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam” tổ chức vào sáng 18/4, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công kiến nghị một số giải pháp lớn như:
Thứ nhất, đối thoại chiến lược với Hoa Kỳ ở cấp cao, nhằm đạt được các thỏa thuận song phương, giảm xung đột, minh bạch thông tin, thúc đẩy nhập khẩu từ Hoa Kỳ (LNG, nông sản, công nghệ cao…), cân bằng thương mại và tạo niềm tin chính trị.
Thứ hai, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng: Tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng thị trường tại EU, Canada, Australia… đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Tây Nam Trung Quốc, Trung Đông, Mỹ Latinh, và phát triển thị trường nội địa.
Thứ ba, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và công nghiệp hỗ trợ: Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, phát triển công nghiệp nền tảng như hóa chất, vật liệu mới, logistics, công nghệ cao… nhằm giảm phụ thuộc nhập khẩu và rủi ro thương mại.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia Quản lý chuỗi cung ứng và logistics khẳng định khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam chứng minh được tính nguyên bản của sản phẩm và phân biệt chúng với các sản phẩm của quốc gia khác.
Ông Hùng cho rằng điều này đặc biệt quan trọng khi Mỹ và các thị trường toàn cầu khác ngày càng giám sát chặt chẽ hơn đối với hoạt động trung chuyển, nơi hàng hóa được đóng gói lại hoặc dán nhãn lại tại Việt Nam để tránh thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc.
Thứ tư, tham gia chuỗi cung ứng chiến lược của Hoa Kỳ: Đầu tư vào các trung tâm kỹ thuật bán dẫn, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo… để trở thành mắt xích đáng tin cậy thay thế Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu – đây là cơ hội vàng mà Việt Nam cần chủ động nắm bắt.
Thứ năm, nâng cao năng lực thể chế và hạ tầng: Cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng logistics – để doanh nghiệp có thể cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững.
Chính sách thuế đối ứng đặt ra không ít thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường và nâng cao khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài.
Việc ứng phó hiệu quả với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt mà còn mở ra cơ hội khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

GS.TS Tô Trung Thành – Trưởng khoa Kinh tế Chính trị, NEU nhấn mạnh rằng mức thuế đối ứng 46% mà Hoa Kỳ đưa ra là một cú sốc, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam buộc phải thay đổi cách tiếp cận phát triển.
Lý do là cấu trúc nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu gia công, đặc biệt là khu vực FDI. Do đó, nền kinh tế cần nhanh chóng chuyển dịch sang dựa vào khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Mới đây nhất, khi chủ trì hội nghị với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội, doanh nghiệp để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế, lãnh đạo Chính phủ đã phân tích: “Thách thức thuế quan hiện tại chính là thời cơ để tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế, chuỗi cung ứng, thị trường xuất nhập khẩu và các ngành nghề chủ lực”.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh "bộ tứ chiến lược" gồm: phát triển khoa học công nghệ; cải cách thể chế, sắp xếp bộ máy; thúc đẩy kinh tế tư nhân; và hội nhập quốc tế, cần tiếp tục được triển khai đồng bộ.
Chính phủ cũng yêu cầu tận dụng triệt để các FTA để mở rộng thị trường sang các khu vực như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ... từ đó đa dạng hóa thị trường và giảm phụ thuộc vào một số đối tác lớn. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho các bộ ngành khẩn trương rà soát, đánh giá lại từng ngành hàng xuất khẩu chủ lực, tăng cường nội địa hóa sản phẩm FDI, đẩy mạnh hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Đáng chú ý, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược.
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng cho biết sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2025 và cả năm 2026.
>> Doanh nghiệp thủy sản 4.100 nhân sự cân nhắc rút khỏi Mỹ nếu thuế quan bất lợi