Trung Quốc bơm gần 1.000 tỷ NDT vào hệ thống tài chính: Tác động gì đến kinh tế Việt Nam?
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa công bố gói kích thích kinh tế nhằm đối phó giảm phát và hỗ trợ thị trường bất động sản gặp khó khăn. Gói kích thích này không chỉ thúc đẩy kinh tế Trung Quốc mà còn có thể ảnh hưởng lớn đến các đối tác thương mại quan trọng, bao gồm Việt Nam.
Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI  đã tổ chức Hội thảo trực tuyến "Gateway to Vietnam" với chủ đề "Đánh giá ảnh hưởng của gói kích thích kinh tế từ Trung Quốc đến dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán".
Các chính sách nhằm vực dậy nền kinh tế Trung Quốc
Một số chính sách quan trọng của Trung Quốc bao gồm giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) tại các ngân hàng Thương mại, giảm lãi suất chính sách đối với các khoản vay và tái cấp vốn cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, Trung Quốc đã giảm 50 điểm cơ bản lãi suất đối với các khoản vay thế chấp bất động sản hiện hữu, giúp giảm đáng kể chi phí vay vốn trong bối cảnh thị trường bất động sản đang chịu áp lực lớn.
Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) - Ảnh: Jason Lee (Reuters). |
Ngoài ra, PBoC cũng thiết lập các chương trình hoán đổi trị giá 500 tỷ Nhân dân tệ và tái cấp vốn 300 tỷ Nhân dân tệ nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán và thúc đẩy sự ổn định cho thị trường này. Những động thái này phản ánh quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc trong việc khôi phục niềm tin của thị trường và hỗ trợ phát triển kinh tế dài hạn.
Tác động đến kinh tế Việt Nam
Các chuyên gia nhận định, việc Trung Quốc kích thích kinh tế có thể tạo ra những thay đổi tích cực cho Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu lớn nhất sang Việt Nam với tổng kim ngạch đạt 92,5 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng là quốc gia nhập khẩu lớn thứ hai từ Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ. Điều này cho thấy sự phụ thuộc và quan hệ mật thiết về kinh tế giữa hai nước.
Đầu tư trực tiếp  từ Trung Quốc và Hồng Kông vào Việt Nam chiếm 25,9% tổng số vốn FDI, phản ánh sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư từ khu vực này. Không chỉ về kinh tế, số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam cũng đã tăng mạnh, đạt 2,4 triệu lượt, chiếm 21,4% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024. Đây là dấu hiệu cho thấy ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ và là cơ hội lớn để thúc đẩy các ngành dịch vụ như nhà hàng, khách sạn.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, các thách thức cũng không hề nhỏ. Việc Trung Quốc gia tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa có thể tạo ra áp lực cạnh tranh đáng kể đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt về giá và chất lượng. Ngoài ra, mặc dù gói kích thích của Trung Quốc có thể thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư, niềm tin tiêu dùng của nước này vẫn còn yếu do sự bất ổn của thị trường bất động sản.
Nhìn chung, các chính sách kích thích của Trung Quốc có khả năng tạo ra tác động tích cực cho cả nền kinh tế Trung Quốc và Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư và du lịch. Tuy nhiên, Việt Nam cần chủ động hơn trong việc tận dụng cơ hội này để tăng cường hợp tác kinh tế, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Các chuyên gia của SSI đều nhận định rằng Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, nhưng cũng cần sẵn sàng đối mặt với thách thức đến từ sự cạnh tranh gia tăng. Việt Nam có tiềm năng lớn để tận dụng làn sóng phục hồi này, tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự chủ động và cải tiến liên tục về chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhằm duy trì lợi thế trên trường quốc tế.
>> Mỹ hồi phục, Trung Quốc chật vật: Tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam?