Trung Quốc tìm đường né thuế thép HRC nhập khẩu vào Việt Nam, Bộ Công Thương khẩn trương ứng phó
Bộ Công Thương đang tiếp tục điều tra và sớm đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc liên quan đến chống bán phá giá đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa có văn bản gửi các bên liên quan trong vụ điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Theo đó, Cơ quan điều tra sẽ tổ chức phiên tham vấn công khai vào sáng ngày 4/6 tới đây.
Liên quan đến vụ điều tra này, ngày 21/2/2025, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 460/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ Trung Quốc với mức thuế dao động từ 19,38% đến 27,83%.
Sau quá trình rà soát, đối chiếu tài liệu và nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên đã hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra, ngày 28/4/2025, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Quyết định số 1204/QĐ-BCT sửa đổi, bổ sung Quyết định 460/QĐ-BCT. Theo quyết định mới, Bộ Công Thương bổ sung "Win Faith Trading Limited" vào danh sách các công ty thương mại liên quan tới một số tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu chịu mức thuế chống bán phá giá 27,83%.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan, thu thập và xác minh thông tin để đưa ra kết luận cuối cùng, trên cơ sở đánh giá toàn diện tác động của vụ việc.
Hiện tại, Việt Nam đang có 2 doanh nghiệp lớn đủ khả năng sản xuất thép HRC là Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG ) và Formosa. Tổng công suất sản xuất đạt khoảng 8,6 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu nội địa khoảng 13 triệu tấn/năm.
Theo số liệu Hải quan, năm 2024, lượng nhập khẩu thép cán nóng vào Việt Nam đạt 12,6 triệu tấn, tăng hơn 33% so với năm 2023. Trước thực trạng đó, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời được xem là cần thiết nhằm kiểm soát tốc độ gia tăng nhập khẩu, đồng thời bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.
![]() |
Thép HRC Trung Quốc vào Việt Nam đang bị điều tra chống bán phá giá |
Doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách né thuế
Ở diễn biến khác, tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, ông Nghiêm Xuân Đa, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tổng CTCP Thép Việt Nam (VNSTEEL, mã TVN ) nhận định thị trường thép đang xuất hiện hiện tượng lẩn tránh thuế, sau khi Bộ Công Thương quyết định áp thuế tạm thời đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.
"Trong 3 tháng đầu sau khi áp thuế, chúng tôi quan sát thấy có hiện tượng Trung Quốc tìm cách né tránh. Cụ thể, họ dự kiến chuyển sang xuất khẩu những loại thép có khổ rộng hơn (thay vì cuộn phổ biến khoảng 1.800mm thì chuyển sang loại trên 2.000mm). Lý do là ở Việt Nam hiện chưa có nhà sản xuất nào làm ra thép cuộn cán nóng với khổ rộng như vậy, mà phổ biến chỉ sản xuất khổ từ 1.650mm đến 1.800mm", vị lãnh đạo thông tin.
Để ứng phó, các đơn vị trong hệ thống VNSTEEL đang phối hợp thu thập chứng cứ, báo cáo lên Cục Phòng vệ Thương mại nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi lẩn tránh thuế. Tuy nhiên, cuộc chiến này không đơn giản, khi phía Trung Quốc cũng chủ động phản công.
"Các hiệp hội thép Trung Quốc đã thuê luật sư phản bác lại, cho rằng việc thay đổi chủng loại thép là hợp lệ, không phải hành vi lẩn tránh thuế", ông Đa cho biết.
Đáng chú ý, lãnh đạo VNSTEEL thừa nhận: "Nếu Trung Quốc kết hợp thêm nhiều yếu tố kỹ thuật để thay đổi mã HS, hợp thức hóa giấy tờ thì việc kiểm soát sẽ càng khó khăn hơn... nên không thể lơ là".
Chính phủ Việt Nam cũng đã vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hàng hóa và siết chặt giám sát trong tất cả các khâu thương mại và phòng vệ. Theo ông Đa, Việt Nam không thể thụ động mà phải chủ động mở rộng các biện pháp kỹ thuật phòng vệ, bảo vệ ngành thép nội địa trước nguy cơ gian lận thương mại và tình trạng thép nước ngoài "đội lốt" Việt Nam để né thuế.