Trung Quốc xây hệ thống thủy điện lớn chưa từng có: Chinh phục vùng đất hiểm trở bậc nhất, tham vọng hoàn thành hơn 10 đập trên 1 con sông
Việc xây dựng các dự án thủy điện được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc nhanh chóng đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Những ngọn núi cao ở vùng Tây Tạng là nơi bắt nguồn của những con sông nằm trong dự án xây dựng hệ thống đập của Trung Quốc, giúp cung cấp nước cho 1/5 dân số thế giới.
Một trong số đó là sông Dương Tử, con sông có vai trò quan trọng đối với kinh tế Trung Quốc.
Theo WSJ, Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng hơn 10 con đập dọc theo đoạn sông này nhằm khai thác tiềm năng thủy điện  khổng lồ .
Tuy nhiên, nhà sử học môi trường châu Á Ruth Gamble từ Đại học La Trobe lưu ý rằng các dự án lớn này đang được thực hiện tại một trong những khu vực dễ xảy ra động đất  nhất thế giới.
Nguồn năng lượng khổng lồ và rủi ro đi kèm
Khu vực thượng nguồn sông Dương Tử, còn gọi là Kim Sa, có tiềm năng sản xuất tới 112GW điện - tương đương 1/4 tổng công suất thủy điện hiện tại của Trung Quốc.
Gamble nhận xét: “Nhiều người thường nói rằng Trung Quốc là trung tâm thủy điện của thế giới và vùng Tây Nam là trung tâm thủy điện của nước này. Việc xây dựng các dự án thủy điện tại đây được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc tiến nhanh hơn tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.
SCMP cho hay, những con sông có thượng nguồn từ Tây Tạng chảy xuống các vùng đất thấp với tốc độ rất nhanh, tạo ra động năng lớn để khai thác thủy điện. Nhưng đồng thời, khu vực này cũng có nhiều rủi ro về địa chất, khiến việc xây dựng đập gặp nhiều nguy hiểm.
Sông Kim Sa nằm trên vùng giao nhau của các mảng kiến tạo và nhiều đường đứt gãy xung quanh, do đó các con đập ở khu vực này rất dễ gặp tác động mạnh.
Con đập khổng lồ và thách thức địa chất
Con đập lớn nhất trên dòng sông này, với chiều cao 239m, dự kiến sẽ trở thành đập thủy điện đá đổ cao nhất thế giới thuộc dự án nhà máy thủy điện Lawa. Công trình ước tính tiêu tốn 4,6 tỷ USD và được cho là khó có thể hoàn thiện vì được xây dựng ngay tại lòng sông.
Để đảm bảo an toàn, các kỹ sư phải gia cố nền đất bằng cách đổ đá và hỗn hợp bê tông xuống đáy sông - nơi mà Gamble miêu tả là "mềm như thạch". Những vách đá bê tông cũng được dựng dọc theo mép núi để đối phó với các trận lở đất và tuyết lở.
Bà Gamble nói thêm, con đập cao 239m này có cấu tạo từ nhiều tầng bê tông, mỗi tầng có kích thước tương đương một tòa nhà cao tầng và nằm cạnh các vách đá được gia cố bằng bê tông.
Được biết khu vực này có nền đất không ổn định, bao quanh bởi các sườn núi dốc ở một trong những nơi dễ xảy ra động đất nhất châu Á. Chỉ riêng năm 2007, khu vực Tứ Xuyên và sông Kim Sa đã trải qua hơn 100 trận động đất. Đặc biệt, một trận động đất lớn xảy ra ở Vấn Xuyên năm 2008 đã khiến hơn 87.000 người thiệt mạng.
Nếu một trận động đất lớn xảy ra, những con đập dọc sông Kim Sa có thể bị phá hủy. Gamble cảnh báo rằng nếu một đập bị hư hỏng, những đập khác sẽ bị sập theo và gây ra thảm họa nghiêm trọng.
Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thủy điện để đạt được các mục tiêu về năng lượng sạch, các rủi ro địa chấn cần được chú ý hơn. Những dự án khổng lồ như Lawa vừa mang lại tiềm năng to lớn về năng lượng vừa đặt ra những thách thức lớn về kỹ thuật và an toàn.
Theo WSJ