Trước khi khởi công tổ hợp thép gần 100.000 tỷ đồng, đối thủ của Hòa Phát và Formosa đã kịp sở hữu mỏ quặng sắt trữ lượng 'khủng'
Tổ hợp Thép xanh Nam Định do Xuân Thiện đầu tư có tổng vốn gần 100.000 tỷ đồng, gồm 3 nhà máy. Dự án sử dụng công nghệ xanh hiện đại, hướng đến giảm phát thải và cung cấp ra thị trường thép cuộn cán nóng (HRC), cạnh tranh trực tiếp với Hòa Phát và Formosa.
Dự kiến, quý II/2025, Tổ hợp các dự án Thép xanh Nam Định do CTCP Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư sẽ được khởi công. UBND tỉnh Nam Định vừa yêu cầu các đơn vị liên quan nỗ lực giải phóng mặt bằng khu vực dự án, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cần thiết và Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai các dự án đảm bảo cung cấp điện khi dự án đi vào hoạt động.
Tổ hợp các dự án Thép xanh Nam Định nằm tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, với tổng vốn đầu tư gần 100.000 tỷ đồng, chia làm 3 nhà máy: Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn, tổng vốn 900 tỷ đồng; Nhà máy Thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng (83,93ha), tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, công suất 2 triệu tấn/năm; Nhà máy Thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định (284,97ha), tổng vốn đầu tư 88.000 tỷ đồng, công suất 7,5 triệu tấn/năm.
Phối cảnh dự án |
Angola trở thành "vùng nguyên liệu"
Xuân Thiện đã lựa chọn công nghệ sản xuất thép xanh tốt nhất thế giới của các nước G7 và những nước khác ở châu Âu, tối ưu các yếu tố. Theo đó, sản xuất thép xanh phi than cốc, giai đoạn đầu sử dụng khí tự nhiên và giai đoạn sau sử dụng điện sạch, điện gió, điện khí để giảm đến mức tối đa (80%) lượng phát thải khí CO2, NOx, SO2… bụi và chất thải rắn ra môi trường. Thiết bị mới 100%, đảm bảo các chỉ tiêu về khí thải, nước thải và môi trường theo quy chuẩn, tự động hóa cao trong quản lý vận hành, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao nhất, bền vững nhất.
Để có nguồn nguyên liệu xanh đủ lớn, cung cấp lâu dài cho Tổ hợp Thép xanh Nam Định, Tập đoàn Xuân Thiện đã tìm ra hướng đi khả thi, hiệu quả nhất là đầu tư vào mỏ quặng sắt và nhà máy sản xuất gang thỏi đủ tiêu chuẩn chứng nhận gang thỏi xanh. Nguồn gang thỏi xanh nguyên liệu sạch này sẽ vượt biển về Tổ hợp Thép xanh Nam Định, sản xuất ra sản phẩm thép xanh phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Triển khai chủ trương này, Xuân Thiện đã hợp tác với các đối tác đến từ Brazil, Angola và sở hữu một nhà máy sản xuất gang thỏi xanh tại Angola cùng mỏ quặng sắt trữ lượng trên 300 triệu tấn. Từ đó, đảm bảo nguồn cung đầu vào khi Tổ hợp Thép xanh Nam Định đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thiện thăm vườn ươm giống bạch đàn tại Angola để triển khai trồng hàng triệu ha rừng cung cấp nguyên liệu than củi cho Tổ hợp Thép xanh Nam Định (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Cùng với đó, Xuân Thiện sẽ triển khai trồng hàng triệu ha rừng bạch đàn tại Angola để cung cấp nhiên liệu than củi cho tổ hợp. Sản phẩm từ tổ hợp đã được các tổ chức uy tín trên thế giới chứng nhận là gang thỏi xanh (phát thải CO2 gần bằng 0), được cung cấp cho thị trường Mỹ và châu Âu với nhu cầu ngày càng lớn, chứng minh nhận định đúng đắn của tập đoàn về xu hướng của ngành thép thế giới.
Tập đoàn Xuân Thiện phấn đấu, Tổ hợp nhà máy Thép xanh Nam Định sẽ có sản phẩm cung cấp ra thị trường từ năm 2027.
Khi toàn bộ tổ hợp đi vào hoạt động, Xuân Thiện sẽ cung cấp ra thị trường 9,5 triệu tấn thép/năm, chủ yếu là thép cuộn cán nóng (HRC) với công suất khoảng 7,5 triệu tấn/năm. Xuân Thiện sẽ cạnh tranh trực tiếp với 2 nhà sản xuất HRC lớn nhất tại Việt Nam hiện nay là Tập đoàn Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh.
Dự kiến, khi toàn bộ tổ hợp đi vào hoạt động sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 16.200 lao động |
Năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát cũng mua mỏ quặng sắt Roper Valley (tại Úc), có trữ lượng ước tính đạt 320 triệu tấn (gần tương đương mỏ quặng của Xuân Thiện), công suất khai thác 4 triệu tấn/năm. Đây là mỏ quặng nước ngoài đầu tiên được Tập đoàn Hòa Phát nhắm tới sau mỏ quặng đang sở hữu, khai thác ở Hà Giang, trữ lượng khai thác khoảng 500.000 tấn/năm. Việc này nhằm đảm bảo nguyên liệu đầu vào do Khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất 1 khi ấy mới đi vào hoạt động.
Nhà phân phối ô tô điện Trung Quốc thua lỗ kỷ lục, cổ đông 'sốc nặng' ngay phiên đầu năm mới