Trương Mỹ Lan, "phù thuỷ" của "đế chế" Vạn Thịnh Phát và hành trình thâu tóm, rút hơn 1 triệu tỷ đồng từ SCB

21-11-2023 12:16|Hồ Nga

Vụ Vạn Thịnh Phát, để rút được tiền từ SCB, Trương Mỹ Lan đã lập nên một hệ thống đồ sộ, qua nhiều công đoạn.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an đã ra kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các bên liên quan.

Liên quan đến vụ án, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị truy tố về 3 tội danh Tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và đưa hối lộ. Ngoài Trương Mỹ Lan còn có 85 cá nhân khác bị truy tố bị can về 7 tội danh khác nhau. Danh sách 86 bị can, có 45 người là cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng SCB, trong đó có 3 cựu Chủ tịch SCB là Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành và Bùi Anh Dũng.

>>Vụ Vạn Thịnh Phát: 86 bị can bị khởi tố, có 9 người được tại ngoại

Cơ quan cảnh sát điều tra cáo buộc bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của Ngân hàng SCB.

Bà Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn VTP bao gồm các công ty con, công ty liên kết như CTCP Tập đoàn VTP, CTCP Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát, CTCP Tập đoàn đầu tư An Đông, CTCP Tập đoàn Sài Gòn Penisula, CTCP Tập đoàn quản lý bất động sản Windor; CTCP Đầu tư Times Square…

Với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng trong việc huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân bằng cách mua, sở hữu lượng lớn cổ phần tại 3 ngân hàng này.

Để thực hiện hành vi, dù không là lãnh đạo trực tiếp tại ngân hàng, nhưng Trương Mỹ Lan đã thâu tóm cổ phần SCB và để những pháp nhân, cá nhân khác đứng tên hộ.

Lời khai của Trương Mỹ Lan cho biết từ trước năm 2011, bằng hình thức nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, Trương Mũ Lan nắm giữ 81,42% vốn cổ phần tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) dưới tên 32 cổ đông; 80,46% vốn cổ phần tại Ngân hàng TMCP Đệ Nhất dưới tên 24 cổ đông và 98,74% vốn cổ phần tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín dưới tên 36 cổ đông.

Tháng 1/2012 Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ra đời – là thành quả hợp nhất của 3 ngân hàng trên. Theo Luật, một cá nhân không thể sở hữu vượt quá 5% cổ phần của một ngân hàng, nên bà Lan chỉ có thể tự đứng tên hơn 4%; số còn lại bà Lan phân tán cho 74 cá nhân, pháp nhân khác đứng tên hộ.

Sau khi 3 ngân hàng này được hợp nhất vào ngày 1/1/2012 với tên gọi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB), Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,6% vốn cổ phần. Đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên cổ phần Ngân hàng SCB, nâng tổng tỷ lệ sở hữu lên 91,54%.

Theo báo cáo tại thời điểm khởi tố vụ án, SCB có vốn điều lệ hơn 15.231 tỷ đồng với 4.129 cổ đông. Trong đó nhóm Trương Mỹ Lan sở hữu 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên. Bản thân bà Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên sở hữu gần 75,89 triệu cổ phần, tỷ lệ 4,982%.

>>Chỉ sở hữu chưa đến 5% cổ phần, bà Trương Mỹ Lan đã “điều khiển” SCB thế nào để rút ruột hơn triệu tỷ đồng

Để điều khiển, chỉ đạo việc lập các hồ sơ giấy tờ khống phục vụ cho việc rút tiền, giải ngân các hợp đồng vay “khống” của nhóm cá nhân, pháp nhân liên quan Vạn Thịnh Phát, bà Lan đã lập nên một dàn lãnh đạo tại SCB. Dàn lãnh đạo này ở những vị trí quan trọng đều là người “đàn em thân tín”. Những người này đều đặn lĩnh lượng 200-500 triệu đồng/tháng.

Tiêu chí chọn lãnh đạo của bà Lan cũng tùy trường hợp, ví dụ Bùi Anh Dũng được cho làm chủ tịch HĐQT SCB (giai đoạn cuối 2020-2021) là do “hiền lành, không quậy phá, được lòng người”.

Cách dùng người cũng khác nhau, ví dụ bà Lan trao đổi với Nguyễn Thị Thu Sương, Võ Tấn Hoàng Văn hoặc Nguyễn Phương Hồng liên quan đến các việc cấp tín dụng. Bùi Anh Dũng cũng khai, biết các khoản vay nào là của nhóm VTP là do được thông báo lại sau khi Mỹ Dung, Khánh Hoàng nhận chỉ đạo trực tiếp từ bà Lan.

>>Bùi Anh Dũng được cho làm chủ tịch HĐQT do “hiền lành, không quậy phá”

Để thực hiện việc rút tiền, giải ngân từ SCB, Trương Mỹ Lan đã lập nên hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 pháp nhân gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật. Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát được chia làm 4 nhóm chính có liên quan chặt chẽ với nhau, gồm:

Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam, gồm SCB, Chứng khoán Tân việt (TVSI), CTCP Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú, trong đó SCB đóng vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho hệ sinh thái VTP.

Nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, phần lớn là các công ty bất động sản, nhà hàng, khách sạn. Những công ty này đều có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối tại các công ty con, công ty thành viên.

Nhóm các công ty “ma” tại Việt Nam được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác đầu tư…

Nhóm các công ty tại nước ngoài được lập làm vỏ bọc tại nhiều quốc gia, lãnh thổ khác nhau, tại các “thiên đường thuế” để phục vụ công tác đầu tư hoặc sử dụng danh nghĩa đầu tư vào Việt Nam. Nhóm này còn có nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan tại nước ngoài.

>>Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với 1.000 “vệ tinh” hoạt động ra sao?

Đồng hành cùng Trương Mỹ Lan còn có chồng - ông Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric), quốc tịch Hồng Kông. Bản thân ông Chu Lập Cơ là Chủ tịch CTCP Đầu tư Times Square.

Lời khai của Chu Lập Cơ cho biết đối với tòa nhà Times Square, Cơ đồng ý để Trương Mỹ Lan và Tập đoàn VTP thực hiện các thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, huy động vốn, vay vốn ngân hàng SCB để thực hiện. Cơ - với vai trò Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Times Square - ký các biên bản họp ĐHĐCĐ, Nghị quyết chấp thuận việc thế chấp, bảo lãnh cho các khoản vay do Lan chỉ đạo tại Ngân hàng SCB.

Kết quả điều tra cho thấy Chu Lập Cơ đã ký các thủ tục hợp thức, đưa tòa nhà Times Square để đảm bảo cho 46 khoản vay khống rút tiền ngân hàng SCB để Lan sử dụng. Đến 17/10/2022 không trả được nợ gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 39.217 tỷ đồng (trong đó dư nợ gốc 19.552 tỷ đồng và dư nợ lãi 19.665 tỷ đồng).

>>Lời khai của chồng Trương Mỹ Lan lộ khoản nợ 39.200 tỷ đồng chỉ từ 1 tài sản đảm bảo

Mỗi cá nhân trong hệ sinh thái do Trương Mỹ Lan lập nên đều có những việc khác nhau, tiếp tay gây thiệt hại cho SCB.

Đinh Văn Thành với vai trò là Chủ tịch Hội đồng tín dụng hội sở, Chủ tịch/Thừa ủy quyền Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB đã ký 273 nghị quyết đồng ý cho 268 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn VTP vay. Tổng 479 khoản vay tại SCB do Đinh Văn Thành duyệt có dư nợ đến ngày 17/10/2022 (thời điểm khởi tố) là hơn 422.853 tỷ đồng (trong đó dư nợ gốc 270.890 tỷ đồng và dư nợ lãi 151.961 tỷ đồng).

Hành vi của Đinh Văn Thành gây thiệt hại cho SCB số tiền 42.770 tỷ đồng. Hành vi của Đinh Văn Thành đã phạm tội “Tham ô tài sản”, liên đới chiếm đoạt số tiền 189.103 tỷ đồng.

Bùi Anh Dũng đã ký quyết định cho 461 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc Tập đoàn VTP của Trương Mỹ Lan vay 611 khoản, có dư nợ đến 17/10/2022 là 412.304 tỷ đồng (trong đó dư nợ gốc 322.294 tỷ đồng và dư nợ lãi 90.010 tỷ đồng).

Hành vi của Bùi Anh Dũng đã phạm tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, liên đới gây thiệt hại cho SCB số tiền 187.607 tỷ đồng. Hành vi của Bùi Anh Dũng cũng đã phạm vào tội “tham ô tài sản”, liên đới chiếm đoạt số tiền 104.259 tỷ đồng và gây thiệt hại số nợ lãi 26.331 tỷ đồng.

Quy trình giải ngân, rút tiền khỏi SCB

Để rút được tiền, Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại SCB và nhóm đối tượng tại tập đoàn VTP và các nhân viên/tổ chức liên quan lập hồ sơ khống hợp thức các khoản vay để rút tiền. Thủ đoạn như sau:

(1) Lập hàng nghìn pháp nhân ma/thuê các cá nhân để đứng tên khách hàng vay vốn

(2) Lập phương án vay vốn khống

(3) Đưa tài sản không đủ pháp lý/không đủ điều kiện để thế chấp, nâng khống giá trị, không đăng ký giao dịch đảm bảo, thông đồng đơn vị định giá để hợp thức giá trị

(4) Lập các thủ tục thẩm định, phê duyệt các khoản vay như một hồ sơ vay vốn thông thường

(5) Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản chỉ định, sử dụng hàng nghìn pháp nhân ma/nhờ, thuê cá nhân mở tài khoản để chuyển lòng vòng, chuyển khoản ra khỏi SCB rút tiền mặt, cắt đứt dòng tiền để Trương Mỹ Lan chiếm đoạt, chỉ đạo sử dụng.

Thực trạng tài chính của SCB thời điểm bị khởi tố

Sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cơ quan điều tra đã cho xác minh, đánh giá thực trạng tài chính của SCB.

Báo cáo rà soát, đánh giá cho kết quả SCB đã âm vốn chủ sở hữu 443.769 tỷ đồng, lỗ lũy kế 464.547 tỷ đồng. Kết quả thẩm định giá của Công ty thẩm định Hoàng Quân cho thấy giá trị tài sản SCB còn lại là 295.940 tỷ đồng.

screenshot-2023-11-21-at-15.08.07.png

Đối với nhóm Trương Mỹ Lan, kết quả điều tra cho thấy xuyên suốt quá trình, hơn 1,06 triệu tỷ đồng đã được giải ngân.

Tính đến thời điểm bị khởi tố dư nợ của nhóm Trương Mỹ Lan còn 677.286 tỷ đồng. Trong khi đó tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại SCB đang hơn 511.262 tỷ đồng.

Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng.

>>“Tiếp tay” cho Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, các cá nhân nhận lương nửa tỷ đồng/tháng

>>Vụ Vạn Thịnh Phát: Các khoản vay nhóm VTP tại SCB đều "chỉ ký hợp thức hóa hồ sơ, không thẩm định"

Dự án liên quan khoản tiền 14,5 triệu USD bà Trương Mỹ Lan từng trả, đã được mua lại với giá 410 tỷ đồng

Nhìn lại những đại án liên quan đại gia, cựu quan chức bị xét xử trong năm 2024

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-van-thinh-phat-toan-canh-vu-truong-my-lan-thau-tom-rut-hon-1-trieu-ty-dong-tu-scb-211781.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Trương Mỹ Lan, "phù thuỷ" của "đế chế" Vạn Thịnh Phát và hành trình thâu tóm, rút hơn 1 triệu tỷ đồng từ SCB
    POWERED BY ONECMS & INTECH