Trượt dốc giữa làn sóng xe xanh, ông lớn taxi Vinasun (VNS) rót tiền vào hybrid, hé lộ mẫu mới không đối thủ
Tại ĐHĐCĐ thường niên, lãnh đạo Vinasun (VNS) đã chia sẻ về chiến lược đầu tư vào dòng hybrid, đồng thời chú trọng ứng dụng công nghệ và nâng cao chất lượng dịch vụ trong thời gian tới.
CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - mã: VNS ) là một trong những hãng taxi truyền thống lớn nhất Việt Nam. Cách đây hơn một thập kỷ, Vinasun cùng Mai Linh từng là biểu tượng của ngành taxi truyền thống, phủ sóng các tuyến phố với màu xe đặc trưng. Tuy nhiên, sự gia nhập của dịch vụ taxi công nghệ (Grab, Be, GoJek...) cùng màn chào sân của Xanh SM vào đầu năm 2023 đã nhanh chóng làm thay đổi cục diện thị trường.
Trước áp lực bị thu hẹp thị phần, ban lãnh đạo Vinasun đã có những chia sẻ đáng chú ý tại ĐHĐCĐ thường niên, đồng thời công bố kế hoạch đầu tư chiến lược cho giai đoạn tới.
Lao đao trước làn sóng xe công nghệ
Tính đến năm 2024, thị phần của Vinasun chỉ còn 2,44%, xếp sau cả Mai Linh (4,81%) và tụt xa so với hai "người dẫn đầu" là Xanh SM (37,41%) và Grab (36,62%). Doanh thu mảng taxi của công ty cũng sụt giảm mạnh khiến lợi nhuận chỉ đạt 84 tỷ đồng, giảm gần 45% so với năm trước và là năm thứ hai liên tiếp kết quả kinh doanh đi lùi.
Tại ĐHĐCĐ, ông Trần Anh Minh , Phó Tổng Giám đốc Vinasun đã có những chia sẻ trước áp lực cạnh tranh rất lớn từ các đối thủ: “Trong khi Xanh SM chỉ sau 2 năm đã tăng vốn lên 18.000 tỷ đồng, Grab đã gọi vốn hơn 12 tỷ USD kể từ ngày thành lập thì vốn chủ sở hữu của Vinasun hiện chỉ hơn 1.000 tỷ đồng”.
Dù vậy, ông Minh khẳng định Vinasun vẫn kiên định là thương hiệu taxi gắn bó với TP. HCM, hoạt động độc lập, duy trì lợi nhuận và chia cổ tức đều đặn mỗi năm.
"Trong ngành taxi, đây là cuộc chơi đường dài. Grab sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam vẫn chưa có lãi, lỗ lũy kế đến cuối năm 2024 vào khoảng 3.000 tỷ đồng.
Vào một ngày nào đó, nếu khách du lịch không còn thấy ánh đèn Vinasun trên phố, đó sẽ là điều đáng buồn", ông Minh nói thêm.
![]() |
Vinasun ghi nhận kết quả kinh doanh giảm sút trước làn sóng xe công nghệ |
Chuyển hướng sang hybrid, ra mắt dòng xe không có đối thủ
Năm 2025, công ty đánh giá tình hình kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro như lạm phát cao, chi phí đầu vào biến động và nhu cầu tiêu dùng suy giảm. Doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu hợp nhất dự kiến đạt gần 977 tỷ đồng, giảm gần 3% so với năm 2024. Lợi nhuận sau thuế ước giảm hơn 36%, còn khoảng 54 tỷ đồng.
Để thích ứng với xu hướng giao thông xanh, Vinasun công bố chiến lược đầu tư mới với trọng tâm là chuyển đổi đội xe theo hướng thân thiện với môi trường.
Đáng chú ý, Vinasun sẽ đưa vào khai thác khoảng 400 xe hybrid của Toyota, đồng thời thanh lý khoảng 500 xe cũ và chuyển sang mô hình kinh doanh thương quyền, bán xe trả chậm cho tài xế. Tổng số xe dự kiến hoạt động đến cuối năm 2025 là 2.368 chiếc, giảm nhẹ so với năm trước.
Việc đầu tư vào xe hybrid được kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm thời gian vận hành và đáp ứng xu hướng xanh hóa giao thông. Tuy nhiên, chi phí khấu hao và giá vốn tăng cũng là rào cản lớn. Ban lãnh đạo thừa nhận: “Nếu không đổi mới, liệu chúng ta có thể kỳ vọng doanh thu như trước đây? Khách hàng đang rất quan tâm đến trải nghiệm dịch vụ trên dòng xe thân thiện với môi trường”.
![]() |
Vinasun đẩy mạnh đầu tư dòng xe hybrid, nâng cao chất lượng dịch vụ và công nghệ hiện đại |
Bên cạnh việc đổi mới phương tiện, Vinasun cũng cam kết nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng các kênh giao tiếp với khách hàng qua ứng dụng Vinasun App và tổng đài, đa dạng hóa phương thức thanh toán, tăng số điểm tiếp thị và khách hàng cố định.
Đặc biệt, lãnh đạo công ty còn hé lộ sẽ ra mắt một dòng xe “chưa có đối thủ nào có mặt trên thị trường”. Tuy chưa tiết lộ chi tiết, đây được xem là nước đi nhằm khẳng định lại vị thế giữa bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.
>> Cổ đông ngoại rút sạch vốn khỏi Vinasun (VNS) sau 11 năm
Hãng bia thân quen sắp tăng giá bán, lãnh đạo nói chỉ còn cách chuyển chi phí sang người tiêu dùng
Mỹ bất ngờ áp thuế đến 814% một mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ Ngoại giao lên tiếng