TS. Lê Xuân Nghĩa: "Cho vay các công ty sân sau bất động sản đang ở mức cao kỷ lục"

24-03-2022 14:42|Hoàng Yến

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, mức độ cho vay các công ty sân sau bất động sản ở mức cao kỷ lục trong lịch sử là một dấu hiệu rất đáng lo ngại.

Tại buổi tọa đàm "Nhận định cơ hội đầu tư chứng khoán năm 2022" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh doanh đã có bài tham luận về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam. Trong đó, ông cũng nêu rõ những điểm chưa tốt, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục vấn đề giúp thị trường tài chính phát triển minh bạch hơn.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, xét về cơ cấu phát hành trái phiếu năm qua có đến hơn 50% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, 30% từ ngân hàng. Điều này có nghĩa là hơn 80% trái phiếu phát hành không thuộc lĩnh vực sản xuất. Phần lớn khối lượng trái phiếu được phát hành trong những năm qua không có bóng dáng của các lĩnh vực như sản xuất, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại mà tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực có tính đầu cơ cao như lĩnh vực bất động sản.

Vị chuyên gia này cho rằng, có tình trạng vốn cho vay của ngân hàng dùng cho các công ty "sân sau" của bất động sản. Ông Nghĩa nhận định, đây là một dấu hiệu đáng lo ngại khi mức độ cho vay các công ty sân sau bất động sản đang ở mức cao kỷ lục trong lịch sử.

Giải thích về lý do tại sao sau nhiều năm phát triển, các lĩnh vực cần trái phiếu nhất như lĩnh vực sản xuất, thương mại lại khó huy động vốn trên thị trường này, chuyên gia cho rằng có 2 lý do chính.

Lý do thứ nhất là lãi suất huy động quá cao. Nhiều trái phiếu có lãi suất huy động từ 12-14%/năm, thậm chí có những Hợp đồng phát hành trái phiếu lãi suất chỉ 9,5% nhưng trên thực tế doanh nghiệp phải trả cho nhà đầu tư lãi suất trên 20%. Với mức lãi suất cao như vậy, các doanh nghiệp sản xuất rất khó có thể huy động vốn từ thị trường trái phiếu.

Lý do thứ hai liên quan đến kỳ hạn trái phiếu. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, các trái phiếu đang được phát hành với kỳ hạn tương đối ngắn, chỉ khoảng 3 năm, rất ít trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Kỳ hạn trái phiếu ngắn không đáp ứng được chu kỳ của lĩnh vực sản xuất, nhất là khi vừa vay xong họ đã phải tính đến phương án trả nợ. Cấu trúc kỳ hạn ngắn, lãi suất cao cho thấy trái phiếu doanh nghiệp có mức độ rủi ro tương đối lớn.

Đề cập về vấn đề đang tồn tại ở thị trường trái phiếu, ông Nghĩa bổ sung thêm vấn đề lớn là sự cạnh tranh của ngành ngân hàng với toàn bộ thị trường tài chính. 96% tài sản tài chính thuộc về ngân hàng, cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang phục thuộc nhiều vào ngân hàng kể cả ngắn và trung hạn. Thị trường trái phiếu vì thế cũng khó phát triển hơn, phản ánh thị trường tài chính đang kém hiệu quả, đi ngược với xu hướng phát triển chung thị trường quốc tế.

TS Lê Xuân Nghĩa: Đường sắt cao tốc Bắc Nam sẽ giúp GDP tăng gấp 2, gấp 3 trong vòng 10 năm

Agribank rao bán khoản nợ của doanh nghiệp liên quan tiến sỹ kinh tế nổi tiếng

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ts-le-xuan-nghia-cho-vay-cac-cong-ty-san-sau-bat-dong-san-dang-o-muc-cao-ky-luc-132787.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    TS. Lê Xuân Nghĩa: "Cho vay các công ty sân sau bất động sản đang ở mức cao kỷ lục"
    POWERED BY ONECMS & INTECH