Từ 'cú sốc' trượt IT, nữ sinh Việt thành thủ khoa ngành hàng không vũ trụ
Sau 4,5 năm, cô gái trẻ không chỉ tốt nghiệp thủ khoa mà còn sở hữu bốn công bố quốc tế, trong đó có hai bài báo trên các tạp chí khoa học hàng đầu.
Sinh ra trong một gia đình kinh doanh dịch vụ Internet công cộng, Nguyễn Thị Thu Phương (23 tuổi) sớm làm quen với máy tính và đam mê khoa học công nghệ. Với nền tảng vững chắc ở hai môn Toán và Tin, Phương đặt mục tiêu theo học ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, kỳ thi đại học năm 2019 không diễn ra như mong đợi. Dù đạt 26,75 điểm tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh), Phương trượt cả hai nguyện vọng vào chương trình chuẩn và chất lượng cao của ngành này.
“Đó thực sự là cú sốc lớn, nhưng cũng là bước ngoặt quan trọng giúp mình bén duyên với Công nghệ hàng không vũ trụ”, Phương nhớ lại.
Ngành học này khi ấy còn khá mới mẻ, khiến Phương bước vào năm nhất với tâm trạng hoang mang. Chưa từng tìm hiểu trước, nữ sinh không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng nhờ quy mô lớp nhỏ – toàn khóa chỉ hơn 50 sinh viên – Phương có cơ hội trao đổi sâu sát với giảng viên và anh chị khóa trên. Nhờ đó, cô dần định hình được hướng đi cho mình.
Phương nhận bằng tốt nghiệp thủ khoa ngành Công nghệ hàng không vũ trụ. Ảnh: NVCC |
>>Nữ sinh đạt 8.5 IELTS từ lớp 10, vừa giành học bổng 8,5 tỷ vào ĐH top đầu Mỹ 
Chỉ sau một năm, Phương đạt điểm trung bình 3.81/4, nằm trong nhóm xuất sắc của khóa. Thành tích này giúp cô lọt vào “mắt xanh” của nhóm nghiên cứu về cơ học chất lỏng do PGS.TS Lê Đình Anh hướng dẫn. Chính tại đây, Phương bắt đầu hành trình nghiên cứu khoa học, mở ra cánh cửa đến với các công bố quốc tế.
Từ năm hai đại học, Phương tập trung vào nghiên cứu tua-bin gió Savonius – một công nghệ có tiềm năng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đây là loại tua-bin có thiết kế đặc biệt, hoạt động hiệu quả ngay cả trong điều kiện gió thấp, mở ra triển vọng ứng dụng cho các khu vực hải đảo và vùng sâu vùng xa.
Quá trình nghiên cứu không hề dễ dàng. Ngoài việc phải tự học tiếng Anh chuyên ngành để đọc tài liệu quốc tế, Phương còn phải thành thạo các công cụ mô phỏng số, lập trình và xử lý dữ liệu. Những đêm thức trắng để chạy mô phỏng, những lần thảo luận kéo dài đến nửa đêm với nhóm nghiên cứu dần trở thành chuyện thường ngày.
Nhờ sự kiên trì, nhóm của Phương đã có loạt công bố quan trọng. Các nghiên cứu của cô không chỉ được trình bày tại các hội thảo quốc tế mà còn xuất hiện trên các tạp chí uy tín như Energy Conversion and Management và Ocean Engineering – hai tạp chí thuộc nhóm Q1, tức nhóm có chỉ số ảnh hưởng cao nhất trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật.
Thạc sĩ Bành Đức Minh, giảng viên Viện Công nghệ hàng không vũ trụ, người trực tiếp hướng dẫn Phương từ năm thứ hai, đánh giá cao năng lực của cô: “Ban đầu Phương khá bỡ ngỡ, nhưng chỉ sau vài tháng đã bắt nhịp nhanh chóng. Em ấy sẵn sàng làm việc đến đêm để giải quyết vấn đề. Những công bố hiện tại hoàn toàn xứng đáng và tôi tin rằng Phương sẽ còn tiến xa trong nghiên cứu khoa học”.
Hiện tại, Phương đang chuẩn bị hồ sơ xin học bổng du học thạc sĩ. Ảnh: NVCC |
Nhờ những thành tích nổi bật, tháng 11/2024, Phương được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam – giải thưởng uy tín nhằm tôn vinh nữ sinh có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Hai tháng sau, tại lễ tốt nghiệp giữa tháng 1/2025, Phương được vinh danh thủ khoa ngành Công nghệ hàng không vũ trụ với điểm trung bình 3.81/4, đồng thời nằm trong top 4 sinh viên xuất sắc toàn trường.
Nhìn lại hành trình đã qua, Phương không giấu được niềm xúc động: “Bốn năm rưỡi qua không hề dễ dàng. Có lúc mình rất hoang mang, nhưng cũng có lúc vượt qua thuận lợi. Những gì đạt được hôm nay là sự công nhận cho những nỗ lực không ngừng nghỉ”.
Không chỉ xuất sắc trong học tập và nghiên cứu, Phương còn tích cực trong công tác Đoàn. Cô là Phó bí thư liên chi đoàn Viện Công nghệ hàng không vũ trụ và thành viên câu lạc bộ hỗ trợ sinh viên. Những hoạt động này giúp Phương trau dồi kỹ năng mềm, nhưng cũng tạo ra áp lực lớn. Có thời điểm vừa thi hết môn, vừa hoàn thành nghiên cứu, lại phải chuẩn bị sự kiện đoàn hội. Nhưng nhờ vậy, Phương học được cách quản lý thời gian và tìm niềm vui trong mọi công việc.
Hiện tại, Phương đang chuẩn bị hồ sơ xin học bổng du học thạc sĩ. Cô mong muốn là tiếp tục nghiên cứu về ứng dụng cơ học chất lỏng và phương pháp mô phỏng số trong phát triển các giải pháp bền vững.