Chứng khoán

Tự doanh chứng khoán chạm 310.000 tỷ đồng cuối quý I/2025: Dòng tiền tập trung ở đâu?

Quốc Trung 30/04/2025 09:00

Trong bối cảnh vĩ mô nhiều bất ổn, chiến lược phân bổ tự doanh của các công ty chứng khoán tới hết quý I/2025 đang phân hóa rõ nét.

Tự doanh chứng khoán chạm 310.000 tỷ đồng cuối quý I/2025: Dòng tiền tập trung ở đâu?
Ảnh minh họa

Tại ĐHCĐ thường niên ngày 22/4/2025, ban lãnh đạo CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC – mã HCM) nhấn mạnh vai trò của việc chuẩn bị kịch bản ứng phó trong bối cảnh thị trường đối diện nhiều rủi ro từ bên ngoài, đặc biệt là khả năng Mỹ áp thuế đối ứng.

Ông Trịnh Hoài Giang – Tổng Giám đốc HSC – nhận định nếu kịch bản thuế quan xảy ra, tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay có thể giảm 2 điểm phần trăm, xuống còn 5–6% trong khi thị trường chứng khoán sẽ khó tránh khỏi giai đoạn biến động mạnh.

Để ứng phó, HSC tập trung chuyển hướng dòng tiền sang mảng cho vay, đồng thời duy trì chiến lược tự doanh thận trọng: Đầu tư trái phiếu chất lượng cao, hạn chế rủi ro cổ phiếu bằng cách chia nhỏ danh mục và thoái vốn kịp thời.

Theo ông Giang, HSC đã bán toàn bộ cổ phiếu FPT và MWG từ đầu năm, qua đó tránh được ảnh hưởng trong đợt điều chỉnh mạnh đầu tháng 4. Quan điểm đầu tư an toàn tiếp tục được duy trì từ cuối 2024, khi công ty chủ yếu nắm giữ cổ phiếu thuộc nhóm VN30 trong mảng tự doanh.

Trong bối cảnh vĩ mô bất định, sự phân hóa rõ nét trong chiến lược phân bổ tài sản giữa các công ty chứng khoán là điều dễ nhận thấy. Có đơn vị tập trung tự doanh cổ phiếu - yếu tố có thể giúp lợi nhuận tăng/giảm đột biến thay vì đầu tư chứng chỉ quỹ, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi với lợi suất cố định và an toàn hơn.

>> Dòng tiền tỷ USD giúp SSI, VND, VIX… hồi mạnh, KBSV nói định giá nhóm chứng khoán vẫn chưa rẻ

Gần 310.000 tỷ đồng được rót vào danh mục tự doanh

Thống kê từ gần 80 CTCK cho thấy, tổng giá trị tài sản tự doanh tại cuối quý I/2025 đạt gần 309.700 tỷ đồng, tăng 26.500 tỷ đồng (9,4%) so với đầu năm. Trong đó, tài sản FVTPL chiếm 63,3%, HTM (tiền gửi) chiếm 26,2% và AFS (sẵn sàng để bán) chiếm 10,5%.

FVTPL tăng 10% trong quý I lên 195.900 tỷ đồng, trong khi HTM tăng gần 17% lên hơn 81.100 tỷ đồng – phản ánh xu hướng cân bằng giữa kỳ vọng lợi nhuận và an toàn tài chính. Ngược lại, tỷ trọng AFS giảm nhẹ.

SSI dẫn đầu toàn ngành với giá trị tự doanh gần 51.300 tỷ đồng, trong đó 87% là FVTPL liên quan đến trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi). Chỉ một số ít được phân bổ cho danh mục cổ phiếu như MBB , MWG, VNM , VPB. VNDirect xếp thứ hai với gần 26.200 tỷ đồng FVTPL (78%), phần còn lại là HTM, chủ yếu cũng phân bổ vào tài sản thu nhập cố định.

Trong khi đó, VPBankS vươn lên vị trí thứ 5, phân bổ tới 95% danh mục vào FVTPL. SHS là cái tên mới lọt Top 10 với gần 9.600 tỷ đồng tự doanh, chủ yếu là FVTPL. Ở chiều ngược lại, ACBS lại ưu tiên HTM (84%), còn TCBS và Vietcap tiếp tục giữ tỷ trọng AFS cao nhất ngành – lần lượt 85% và 78%.

Sự chênh lệch rõ rệt trong khẩu vị đầu tư phản ánh chiến lược riêng của từng công ty trước áp lực từ thị trường quốc tế. Trong giai đoạn tới, việc quản trị rủi ro hiệu quả và linh hoạt phân bổ tài sản được dự báo sẽ là yếu tố quyết định sức bật của các công ty chứng khoán, nhất là khi thị trường vẫn đang trong vùng nhiễu động.

>> KQKD quý I/2025 của hơn 600 doanh nghiệp: Một công ty lạ lãi 165 tỷ/ngày

Công ty chứng khoán liên quan bà Trương Mỹ Lan lỗ đậm, nắm giữ hơn 1.800 tỷ đồng tiền mặt

Sacombank (STB) 'đi săn' công ty chứng khoán, phủ nhận mua lại đơn vị vốn gần 1.500 tỷ đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tu-doanh-chung-khoan-cham-310000-ty-dong-cuoi-quy-i2025-dong-tien-tap-trung-o-dau-288333.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Tự doanh chứng khoán chạm 310.000 tỷ đồng cuối quý I/2025: Dòng tiền tập trung ở đâu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH