Từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ có thêm 3 thành phố mới
Năm 2025, 3 thị xã này sẽ được nâng cấp lên thành phố theo các quyết định đã phê duyệt.
TP. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Quyết định số 1365/NQ-UBTVQH15 thành lập các phường thuộc thị xã Phú Mỹ và thành lập TP. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó thị xã  Phú Mỹ được xếp hạng đô thị loại II, đồng thời sẽ trở thành thành phố vào năm 2025. TP. Phú Mỹ sẽ có tổng diện tích tự nhiên 333,02km2 và dân số 195.591 người, có 10 đơn vị hành chính cấp xã.
Hiện nay, thị xã Phú Mỹ là một trong những địa phương phát triển năng động, là trung tâm kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là thị xã có đầy đủ các yếu tố như ngành công nghiệp cảng biển, du lịch, công nghiệp công nghệ cao. Thị xã Phú Mỹ cũng hình thành mục tiêu là một trong 2 cảng nước sâu lớn nhất của quốc gia.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được đón tàu lớn nhất thế giới về trọng tải. Mục tiêu trong thời gian tới, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục phát triển cụm cảng, hình thành khu thương mại tự do .
TP. An Nhơn
Tỉnh Bình Định vừa qua đã thông tin, dự kiến chi hơn 6.000 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cải tạo, chỉnh trang đô thị An Nhơn giai đoạn 2025-2035. Theo đó, An Nhơn sẽ được công nhận là thành phố thuộc tỉnh vào năm 2025. Đến năm 2030, TP. An Nhơn sẽ có quy mô 220.000 người.
TP. An Nhơn sẽ triển khai 18 công trình, hạng mục chỉnh trang đô thị, hạ tầng kỹ thuật với vốn hơn 500 tỷ đồng. Hai dự án có mức đầu tư lớn nhất là khu Thể dục Thể thao trung tâm An Nhơn kết hợp quảng trường (170 tỷ đồng); tuyến giao thông Bắc - Nam từ Quốc lộ 19 đến khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định kết nối với cảng Quy Nhơn (140 tỷ đồng).
Thị xã An Nhơn có vị trí nằm ở phía Nam của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 17km về phía Tây Bắc, cách Cảng hàng không Quốc tế Phù Cát khoảng 8km về phía Nam, trong đó một phần diện tích Cảng hàng không nằm trên địa bàn thị xã.
Theo UBND Bình Định, An Nhơn đang là đô thị vệ tinh của TP. Quy Nhơn và là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa xã hội ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thị xã được đánh giá có hệ thống giao thông rất thuận lợi, với Quốc lộ 1, Quốc lộ 19 và đường sắt Bắc - Nam. Nơi đây cũng có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cao tốc Quy Nhơn - Pleiku (Gia Lai) đi qua.
TP. Kỳ Anh
Trên cơ sở hội đủ điều kiện lên thành phố, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh thống nhất cao việc thành lập thành phố Kỳ Anh từ thị xã Kỳ Anh vào năm 2025. TP. Kỳ Anh được thành lập từ toàn bộ diện tích tự nhiên và toàn bộ dân số thị xã Kỳ Anh với định hướng phát triển theo 2 khu vực là ngoại thị và nội thị.
Theo tờ trình, TP. Kỳ Anh có không gian nội thị dự kiến với diện tích 221,81km2, dân số 94.606 người gồm các phường: Hưng Trí, Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Ninh và Kỳ Nam. Khu vực ngoại thị dự kiến diện tích 63,73km2, dân số 25.545 người gồm 3 xã: Kỳ Hà, Kỳ Lợi và Kỳ Hoa.
Quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh đến năm 2035 xác định, đô thị Kỳ Anh là trung tâm kinh tế tổng hợp phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh, là đô thị có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ.
Thị xã Kỳ Anh tiềm năng phát triển lớn khi có KKT Vũng Áng và 2 cụm cảng Vũng Áng, Sơn Dương với gần 500 doanh nghiệp lớn nhỏ vào đầu tư, giải quyết việc làm cho khoảng hơn 20.000 lao động tại chỗ và khu vực lân cận.
Chưa đầy 40 ngày nữa, Việt Nam chính thức có thêm thành phố mới 
Hơn một tháng nữa, một tỉnh sẽ lên Thành phố trực thuộc Trung ương có thêm 1 thành phố mới