Từ quý II/2025, áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tăng mạnh
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cuối năm 2024 và năm 2025 đang chịu áp lực lớn từ đáo hạn và thanh khoản. Sự ổn định tài chính của doanh nghiệp cùng niềm tin từ nhà đầu tư là những yếu tố then chốt để vượt qua giai đoạn đầy thách thức này.
Tính đến tháng 11/2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ghi nhận khối lượng phát hành riêng lẻ đạt 343.900 tỷ đồng, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, áp lực từ việc mua lại trước hạn cũng tăng cao với giá trị 168.100 tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân tháng 11 đạt 12.020 tỷ đồng, giảm nhẹ so với tháng trước nhưng tính chung 11 tháng tăng 71,7% so với cùng kỳ.
Có 43 mã trái phiếu chậm trả gốc/lãi lần đầu, tổng giá trị 23.200 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức 144.300 tỷ đồng trong năm 2023. Dù vậy, tỷ lệ chậm trả lũy kế vẫn ở mức 15,3%. Đặc biệt, nhóm bất động sản chiếm 60% tổng lượng trái phiếu chậm trả, trong khi nhóm năng lượng có tỷ lệ chậm trả cao nhất với 44%.
Tháng 12/2024 được dự báo có 30% trái phiếu đáo hạn có nguy cơ chậm trả, cao hơn mức trung bình 20% của 11 tháng đầu năm. Được biết trong hai tháng cuối năm, khoảng 65.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ đến hạn thanh toán, tương đương gần 10% dư nợ tín dụng còn lại của năm.
Giai đoạn 2025-2026, áp lực đáo hạn dự kiến lần lượt 250.000 tỷ và 230.000 tỷ đồng, trong đó nhóm bất động sản và năng lượng tái tạo chịu áp lực lớn nhất. Nghị định 08/2023/NĐ-CP giới hạn gia hạn trái phiếu tối đa hai năm, dẫn đến khối lượng đáo hạn tăng cao từ quý II/2025.
Trong tháng 11/2024, 13 tổ chức phát hành hoàn trả tổng cộng 1.148 tỷ đồng nợ gốc. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tái cơ cấu. Áp lực tăng lãi suất huy động và tâm lý nhà đầu tư thận trọng đang tạo ra trở ngại lớn trong việc huy động vốn mới và trả nợ.
Trái phiếu bất động sản: Cánh cửa để thị trường bùng nổ trong năm 2025? 
Công ty nước của Shark Liên huy động gần 900 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 20 năm