Con số được tính toán khiến nhiều người bất ngờ.
Mạng xã hội những ngày qua đang xôn xao câu chuyện thẻ tín dụng có dư nợ 8,5 triệu đồng nhưng ôm nợ 8,8 tỷ đồng sau 11 năm. Cụ thể, năm 2013, khách hàng P.H.A ở Quảng Ninh được cho là sử dụng thẻ tín dụng của Ngân hàng Eximbank  có dư nợ 8,5 triệu đồng nhưng không đóng lãi nhiều năm, đến nay, cả gốc lẫn lãi phải trả là 8,8 tỷ đồng.
>> Vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị đòi nợ 8,8 tỷ đồng: Thanh tra vào cuộc 
Trước vụ việc, sự chú ý chủ yếu tập trung vào số lãi mẹ đẻ lãi con cao đến khó tin mà người đàn ông này được ngân hàng thông báo. Hiện tại, vụ việc đang được Thanh tra Ngân hàng Nhà nước vào cuộc, làm rõ sự tình.
Tuy vậy, thử lật ngược lại vị thế bằng câu hỏi vui: "Nếu gửi tiền ngân hàng ở thời điểm hiện tại, phải mất bao nhiêu năm từ số vốn gốc 8,5 triệu đồng mới lên đến 8,8 tỷ đồng?"
"Chờ" bao nhiêu năm tài khoản mới lên đến 8,8 tỷ đồng?
Khảo sát nhanh từ biểu lãi suất gửi tiết kiệm của các ngân hàng hiện nay, cho thấy lãi suất huy động bình quân của kỳ hạn 12 tháng (1 năm) rơi vào khoảng 4,8%/năm. Giả định người gửi tiền gửi VND tại một Ngân hàng Thương mại với số vốn ban đầu là 8,5 triệu đồng.
Sử dụng công thức tính lãi kép, với A là số tiền sẽ nhận được (8,8 tỷ đồng), P là số tiền ban đầu (8,5 triệu đồng), r là lãi suất (4,8%). Từ đó, người này có thể tìm ra khoảng thời gian (t) gửi 8,5 triệu đồng sẽ nhận được 8,8 tỷ đồng.
Công thức tính lãi kép (Nguồn: BYJU'S) |
Cụ thể, nếu người này gửi 8,5 triệu đồng vào ngân hàng với mức lãi suất này, sau 1 năm, người này nhận được 408.000 đồng tiền lãi.
Sau khi hoàn nhập cả gốc và lãi, khách hàng có 8.908.000 đồng cho năm tiếp theo. Vẫn với lãi suất 4,8%/năm, đến kì trả lãi thứ 2 (cuối năm thứ 2), người này sẽ nhận được 427.584 tiền lãi.
Kết quả là, cứ thế sau 148 năm, số tiền gốc và lãi người này nhận được là 8,76 tỷ đồng. Sau 149 năm, con số này sẽ là 9,19 tỷ đồng. Như vậy, nếu muốn nhận được số tiền hơn 8,8 tỷ đồng như trường hợp của chủ thẻ tín dụng tại Quảng Ninh, người gửi sẽ phải chờ tới hơn 148 năm.
Tuy vậy, trên thực tế, thời gian được tính ra từ lãi kép trong các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng có thể bị thay đổi do một số yếu tố nhất định như thay đổi lãi suất thị trường và phát sinh các loại phí và chi phí khác trong quá trình gửi tiền.
>> Từ vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị đòi nợ 8,8 tỷ, giải mã 'sức mạnh' của lãi kép 
Lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng
Từ câu chuyện của người đàn ông tên P.H.A tại Quảng Ninh, dù chưa rõ ràng về cách Ngân hàng Eximbank tính lãi trong trường hợp này cũng đã đủ để người dân nhìn lại cách sử dụng thẻ tín dụng của mình. Vì vậy, người dùng thẻ cần "bỏ túi" một số lưu ý sau đây để vừa có được lợi ích từ thẻ, vừa giảm được những rủi ro mà sản phẩm tài chính này mang lại.
Người dùng nên cẩn trọng khi sử dụng thẻ tín dụng |
Thứ nhất, người dùng cần quản lý nợ thẻ tín dụng bằng cách nhớ thanh toán đúng và đủ. Việc thanh toán dư nợ đúng hạn giúp tránh phát sinh lãi và phí chậm thanh toán, duy trì lịch sử điểm tín dụng tốt. Chủ thẻ nên thanh toán trước hạn vài ngày, để tránh gặp lỗi hệ thống hoặc cuối tuần sẽ bị dời sang ngày thanh toán tiếp theo.
Thứ hai, người dùng nên thường xuyên kiểm tra sao kê hàng tháng một cách cẩn thận. Cụ thể, cuối mỗi tháng hay trước thời hạn thanh toán nợ, ngân hàng sẽ gửi cho chủ thẻ bản sao kê, thống kê tất cả các khoản đã chi tiêu trong tháng.
Ngoài ra, nên theo dõi báo cáo tín dụng hàng tháng từ CIC và kiểm tra thường xuyên số dư tín dụng của mình để có kế hoạch chi tiêu phù hợp, kịp thời giải quyết các rủi ro.
Thứ ba, người dùng nên tận dụng những lợi thế do thẻ tín dụng mang lại. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh người dùng có thể tiết kiệm một khoản lớn khi mua hàng nhờ tận dụng mức hoàn tiền, ưu đãi thẻ và phiếu quà tặng. Các ngân hàng luôn có nhiều ưu đãi để thu hút người dùng, chỉ cần thường xuyên theo dõi và nắm bắt. Chẳng hạn, phí thường niên có thể bù đắp dễ dàng bằng cách tận dụng đặc quyền thẻ (hoàn tiền, điểm thưởng...).
Thứ tư, người dùng luôn phải đảm bảo trạng thái cân đối tài chính, đủ tiền để thanh toán đúng thời hạn. Hiện nay, có nhiều người có tới 3-4 thẻ tín dụng trong khi không kiểm soát được tài chính cá nhân, sẽ dễ bị mất cân đối tài chính, gây khó khăn trong việc khả nợ sau này.
>> Nếu vô tình 'mắc bẫy' thẻ tín dụng, đâu là cách xử lý?