Bách Hoá Xanh được lấy ý tưởng từ Alfamart – top 2 chuỗi bán lẻ bách hóa lớn nhất Indonesia và chính thức ra đời trong thời kỳ 'hoàng kim' của Thế giới Di động.
Đi vào hoạt động từ năm 2015, Bách Hóa Xanh được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới của Thế giới Di động. Tuy nhiên, nếu xét riêng về khía cạnh lợi nhuận, mảng này lại là gánh nặng lớn nhất.
Ra đời vào thời kỳ hoàng kim của “công ty mẹ” rồi lại trở thành “gánh nặng”
Năm 2015, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG ) đạt mức tăng trưởng lên tới 60% về doanh thu và lợi nhuận.
Cuối năm 2015, đầu năm 2016, chuỗi Thế Giới Di Động vẫn đang trong thời kỳ hoàng kim và Điện Máy Xanh mới chỉ bắt đầu mở rộng ồ ạt.
Nhìn thấy thị trường di động thông minh sẽ sớm bão hòa và điện máy tiêu dùng sẽ không thể duy trì tăng trưởng cao trong thời gian dài sau đó, ban lãnh đạo bắt đầu nghĩ về một thị trường bán lẻ mới đủ lớn cho triển vọng tăng trưởng lâu dài của tập đoàn. Ngành bán lẻ thực phẩm và FMCG là câu trả lời và Bách Hóa Xanh – chuỗi minimart của Thế giới Di động chính thức ra đời vào tháng 11/2015.
Công ty lấy ý tưởng từ Alfamart – top 2 chuỗi bán lẻ bách hóa lớn nhất Indonesia. Các cửa hàng Bách Hóa Xanh phải có quy mô của 1 cửa hàng tiện lợi để có thể thâm nhập sâu vào các khu dân cư cũng như có danh mục hàng hóa của 1 siêu thị thu nhỏ. Những cửa hàng đầu tiên có quy mô chỉ dưới 100m2, được mở tại quận Bình Tân – nơi có mật độ dân cư cao nhất TP.HCM.
Trong giai đoạn này, Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đang mở rộng liên tục, với số cửa hàng tăng gần gấp đôi trong năm 2016 (từ 629 lên 1.206). Chuỗi Bách Hóa Xanh kết thúc năm 2016 với 40 cửa hàng.
Ba năm sau, chuỗi này mở rộng lên 238 cửa hàng, nhưng đi kèm là khoản lỗ 556 tỷ đồng, gấp 10 lần so với khoản lỗ năm 2016.
Công ty sau đó bắt tay chuyển đổi mô hình từ truyền thống sang thiết kế "mở" nhằm thúc đẩy tăng doanh số. Diện tích mỗi shop được mở rộng từ 100m2 lên 450-500m2 để thuận tiện bày trí hàng hóa. Chuỗi cũng tiếp tục nâng số lượng cửa hàng lên 1.500.
Tuy nhiên, chiến lược này không giúp Bách Hoá Xanh cải thiện tình hình, ngược lại càng khiến khoản lỗ phình to. Kết thúc năm 2020, công ty lỗ 1.734 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với 2018, gấp 31 lần so với 2016.
Dẫu vậy, công ty vẫn kiên trì với chiến lược mở rộng quy mô khi cuối năm ngoái, số cửa hàng tăng lên 2.106 chi nhánh. Giai đoạn này, hãng cũng gặp phải những lùm xùm liên quan đến giá bán và chất lượng phục vụ khiến hoạt động kinh doanh càng thêm khó. Năm 2022 cũng là năm đánh dấu mức lỗ kỷ lục của chuỗi Bách Hoá Xanh với 2.962 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của Bách Hoá Xanh |
Lũy kế từ 2016 đến hết quý III/2023, chuỗi này lỗ 8.300 tỷ đồng - gánh nặng lớn nhất của Thế Giới Di Động những năm qua. Trước khoản lỗ lớn, nhiều quỹ ngoại ồ ạt rút vốn khỏi MWG.
Nhìn lại diễn biến này, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động cho rằng ngọn nguồn là do Bách Hóa Xanh mở rộng mạng lưới nhanh. Nhiều cửa hàng kinh doanh chưa hiệu quả. Ngành hàng tươi sống của chuỗi những năm qua đang có vấn đề bởi các yếu tố khách quan như thời tiết và quy trình bảo quản. Thêm vào đó, chi phí logistics lớn khiến giá sản phẩm bị đội lên cao.
> > Ông Nguyễn Đức Tài ‘hô mua’ nhưng chỉ gom MWG ‘nhỏ giọt’, Thế giới Di động đang ra sao? 
Nỗ lực chuyển mình với kỳ vọng “mang tiền về cho mẹ”
Trước những kết quả không được như kỳ vọng, quý II/2022, Bách Hóa Xanh quyết định tái cấu trúc chuỗi. Ông Nguyễn Đức Tài đã trở lại tiếp quản trực tiếp Bách Hóa Xanh sau đơn từ nhiệm của ông Trần Kinh Doanh - CEO gắn bó với chuỗi này từ những ngày đầu đặt nền móng.
Bước tái cấu trúc đầu tiên, ông Tài chọn là đóng 400 cửa hàng kinh doanh yếu kém và chỉ giữ lại hơn 1.706 chi nhánh. Công ty dừng hẳn việc mở rộng mạng lưới để lược bỏ những nhóm hàng hiệu suất kinh doanh kém, dồn lực thay đổi cách bố trí, sắp xếp (layout) mới, xử lý các cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Bách Hóa Xanh thay đổi định vị từ mô hình chợ hiện đại sang "siêu thị mini".
Bên cạnh thay đổi cách bố trí, Bách Hóa Xanh đẩy mạnh thực hiện chiến lược giá tốt khi có một quầy chuyên trưng bày hàng sale trong ngày với chiết khấu lên tới 50%. Đồng thời, Bách Hóa Xanh hoạch định lại danh mục khách hàng ưa chuộng, gạt bỏ những nhà cung cấp kém chất lượng. Chủ tịch Nguyễn Đức Tài từng nhấn mạnh: “Thà bán rẻ để tăng doanh thu, còn hơn là bán đắt để tăng lãi gộp. Có cơ hội bán rẻ hơn cho người tiêu dùng thì sẽ làm”.
Bách Hóa Xanh có một quầy chuyên trưng bày hàng sale trong ngày với chiết khấu lên tới 50% |
Tại cuộc họp trực tuyến cập nhất kết quả kinh doanh quý III/2023 của Thế Giới Di Động, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết, từ tháng 12/2023 trở đi, Tập đoàn sẽ không đưa một đồng nào cho Bách Hóa Xanh. Theo ban lãnh đạo công ty, với tốc độ tăng trưởng doanh thu và lãi gộp đang cải thiện, Bách Hóa Xanh tự tin sẽ đạt điểm hoà vốn trong năm tới.
“Từ khi đi vào hoạt động, mỗi tháng Thế Giới Di Động đều phải tài trợ tiền cho Bách Hóa Xanh như bố mẹ chu cấp tiền cho con ăn học. Tuy nhiên, từ cuối năm nay, Bách Hóa Xanh sẽ bước sang giai đoạn hoàn toàn khác khi có thể tự kiếm tiền, trang trải chi phí và tập đoàn không phải bù lỗ nữa” – ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ.
Doanh thu 11 tháng của chuỗi này đạt 28.400 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2022. Riêng trong tháng 11, doanh thu chuỗi hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt 1,75 tỷ đồng/tháng.
Doanh thu năm 2023 của Bách Hoá Xanh |
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Bách Hóa Xanh dự kiến doanh thu sẽ tăng trưởng khoảng 20% so với 2023, trong đó cơ cấu các mặt hàng tươi sống chiếm khoảng 40-50% được đánh giá là tối ưu. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng dự kiến đạt khoảng 2 tỷ và kỳ vọng sẽ đạt điểm hoà vốn.
Bách Hóa Xanh thời gian tới sẽ chỉ mở mới ở khu dân cư đông. Công ty cũng không mở các cửa hàng lớn 300-400m2 mà tập trung ở diện tích 150m2 và 200m2.
"Để kinh doanh đúng hướng, công ty sẽ di dời những thứ không hiệu quả ra khỏi tập đoàn, chỉ giữ lại những cơ thể khỏe mạnh, gọn gàng đi tới tương lai", ông Tài nhấn mạnh.
> > Sau động thái đóng hàng trăm cửa hàng, Thế giới Di động (MWG) báo doanh thu giảm sâu