Từng được xem là kỳ quan công nghệ hiện đại, cây cầu là niềm tự hào của quốc gia bỗng trở nên 'vô dụng nhất hành tinh' sau trận lũ lịch sử
Thậm chí, hình ảnh "cây cầu dẫn đến hư không" đã đi vào thành ngữ của người dân địa phương bởi câu chuyện khó tưởng.
Ở Choluteca, Honduras (quốc gia thuộc khu vực Trung Mỹ) có một cây cầu khổng lồ  mà người dân địa phương đùa gọi là "cây cầu chẳng dẫn tới đâu cả". Thậm chí, có người còn nói rằng đây là "cây cầu vô dụng nhất thế giới".
Choluteca là khu vực thường xuyên hứng chịu thiên tai như lốc xoáy và bão lớn, gây thiệt hại nặng nề. Vì vậy, chính quyền địa phương quyết định xây dựng một cây cầu vững chắc bắc qua sông Choluteca với yêu cầu phải đủ kiên cố để chống chịu mọi loại thời tiết khắc nghiệt.
Ban đầu, vào những năm 1930, người ta xây dựng cây cầu đầu tiên bắc qua sông Choluteca, đặt tên theo dòng sông để dễ nhớ. Cây cầu này từng được so sánh với cầu Cổng Vàng ở Mỹ và là niềm tự hào của người dân địa phương.
Đến năm 1996, một cây cầu khác mang tên cầu Puente Sol Naciente, hay còn được gọi là "cầu Choluteca mới", bắt đầu được khởi công với kỳ vọng cao về khả năng chống chịu trước các điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Chính phủ Honduras đã lựa chọn Tập đoàn Hazama Ando từ Nhật Bản để đảm nhiệm công trình, nhằm tạo nên một cây cầu "trường tồn với thời gian".
Khi hoàn thành vào năm 1998, cầu Puente Sol Naciente có độ dài 484m, được ca ngợi là một tuyệt tác công nghệ, từ thiết kế đến kỹ thuật xây dựng. Được mệnh danh là một "kỳ quan về công nghệ ", cây cầu Choluteca mới nhanh chóng trở thành biểu tượng về sức mạnh kiến tạo của con người đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt và trở thành niềm tự hào của Honduras.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi cầu đi vào hoạt động, một trận bão lịch sử đã xảy ra. Siêu bão Mitch mạnh cấp 5 - mức cao nhất theo thang đo bão phương Tây - đã gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề ở Choluteca.
Với lượng mưa lên tới 1.905mm trong 4 ngày liên tiếp, bão Mitch đã trở thành một thảm họa kinh hoàng cho Honduras, khiến 5.657 người thiệt mạng, 8.058 người mất tích, 12.000 người bị thương và gần 3 triệu người mất nhà cửa. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 6.500 tỉ USD. Hầu hết các cây cầu trên sông đều sập, ngoại trừ cầu Choluteca.
Tuy nhiên, đây lại là lý do Choluteca trở nên vô dụng. Toàn bộ các công trình và vùng địa chất xung quanh cầu Choluteca đã bị phá vỡ, chỉ duy nhất cây cầu này đứng vững. Phần đường dẫn lên cầu bị lũ cuốn trôi và thậm chí dòng sông cũng đổi hướng chảy lệch sang bên. Kết quả là cây cầu kiên cường này đứng lạc lõng giữa biển cát, chẳng còn nối hai bờ, trở thành “cây cầu dẫn đến hư không”.
Hình ảnh cây cầu cô độc giữa đất trời đã nổi tiếng khắp thế giới, biểu tượng cho sự bất lực của con người trước thiên nhiên. Người dân hai bên bờ sông phải đi vòng xa gần 40km lên phía thượng nguồn để qua sông, làm cuộc sống của họ trở nên vô cùng bất tiện.
Sau đó, chính phủ Honduras đã cố gắng cứu cây cầu này. Ban đầu, họ dự tính nắn dòng sông trở lại vị trí cũ, nhưng chi phí và khối lượng công việc khổng lồ khiến kế hoạch bị hủy bỏ. Phải đến đầu những năm 2000, khi tuyến cao tốc Liên Mỹ nối Choluteca với El Salvador hoàn thành, người ta mới nghĩ đến việc khôi phục cầu Choluteca. Việc xây dựng sân bay Choluteca và sự gia tăng dân cư trong khu vực càng tăng thêm động lực tái thiết.
Năm 2003, dự án tái thiết cầu được khởi công. Không chỉ xây dựng lại đường dẫn hai bên, chính quyền còn xây một cây cầu mới song song với cầu cũ để nối qua dòng sông đã đổi hướng. Cuối cùng, cầu Choluteca chính thức hồi sinh, khu vực xung quanh phát triển mạnh mẽ và cầu Choluteca trở thành một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng, biểu tượng cho sức sống bền bỉ của Honduras.
Câu chuyện về cây cầu Choluteca còn hình thành nên một thành ngữ mới. Trong tiếng Anh của người Mỹ có câu: "Don’t be the Choluteca Bridge. Be relevant with time" (Tạm dịch: Đừng biến mình thành cây cầu Choluteca. Hãy cố gắng thích nghi với hoàn cảnh).