Sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ trở thành trục hành lang Đông Tây mới, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh thành này.
Dự án đường liên kết vùng trục Đông Tây tỉnh Hà Nam có tên đầy đủ là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ QL1A giao với đường cao tốc  Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với QL21A, QL21B, đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình; kết nối 2 di tích Quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định).
Dự án chia làm 2 tuyến, gồm: tuyến 1 dài 32km, kết nối QL1 theo đường 495B (giai đoạn 1) với đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, QL21A, QL21B, nối lên cầu Thái Hà, Cầu Hưng Hà. Tuyến 2 dài 14,6km kết nối hai đền Trần.
Tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng do ngân sách Trung ương hỗ trợ kết hợp với vốn địa phương, được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2022-2025. Các nhà thầu Tập đoàn Xuân Thành, Tập đoàn Cường Thịnh Thi, Công ty Đại Phong, CTCP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam cho biết, đến nay, tuyến chính cơ bản thông, chỉ còn vướng hơn 1,5km chưa giải phóng mặt bằng.
Các điểm vướng này nằm rải rác ở đoạn qua kênh Như Trác (Lý Nhân), Chợ Lợn (Bình Lục), khu vực giáp ranh giữa 2 huyện Bình Lục và Lý Nhân, khu vực huyện Thanh Liêm còn 1 điểm. Với lượng mặt bằng các địa phương đã bàn giao đảm bảo đủ công địa cho nhà thầu triển khai các mũi thi công.
"Phần mặt bằng còn lại đang được các địa phương tích cực thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên do còn 6/8 khu tái định cư đang trong quá trình thi công nên người dân chưa có đất để di dời nhà cửa. Để có mặt bằng, Ban phải phối hợp với các huyện, để vừa thực hiện phê duyệt phương án bồi thường, vừa vận động các hộ dân di dời trước, nhường đất cho dự án. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương phải bàn giao mặt bằng trước 30/5/2024", ông Thắng cho biết.
Tổng giá trị sản lượng các nhà thầu thực hiện đến nay ước đạt trên 760 tỷ đồng, tương đương 40% số vốn tỉnh bố trí. (Tổng giá trị dự án 3.600 tỷ đồng, năm 2024 tỉnh Hà Nam bố trí 1.900 tỷ đồng).
Hiện nay, Tập đoàn Xuân Thành đang là nhà thầu thi công có sản lượng cao nhất do phần nền đã làm ở giai đoạn trước. Nhà thầu này đã thảm xong 18km.
Hiện công ty đang hoàn thiện hệ thống thoát nước, bó vỉa dải phân cách và trồng cây xanh. Phần còn lại các nhà thầu đang thi công hạ bộ cầu, nút giao cao tốc Bắc Nam ở xã Liêm Sơn và đắp nốt phần nền 13,5km của tuyến.
Dự kiến tuyến đường sẽ hoàn thành vào quý I/2025. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường này sẽ trở thành trục hành lang Đông Tây mới, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho Hà Nam.
Tỉnh Hà Nam nằm ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội, cách thủ đô khoảng 65km. Tỉnh có diện tích 860,5km2, nhỏ thứ 2 Việt Nam, chỉ trên tỉnh Bắc Ninh. Đây là mảnh đất giàu tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, văn hóa, sinh thái và ẩm thực khi có các di tích lịch sử, thắng cảnh và làng nghề nổi tiếng.
Theo quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của Vùng đồng bằng sông Hồng.