Tỷ lệ tự tử tăng cao, Chính phủ nỗ lực giải cứu trong vô vọng: Chuyện gì đang xảy ra ở siêu cường châu Á?
Năm 2023, số vụ học sinh tự tử tại Hàn Quốc đạt mức kỷ lục 214 trường hợp, tăng hơn gấp đôi so với 8 năm trước. Trong đó, áp lực học tập là nguyên nhân hàng đầu, chiếm 35 trường hợp.
Đã nửa đêm ở Seoul, một học sinh Trung học vẫn cặm cụi bên chồng sách vở. Dù mệt mỏi, em vẫn cố gắng học tập để chuẩn bị cho Suneung, kỳ thi tuyển sinh Đại học quốc gia của Hàn Quốc  – kỳ thi quan trọng có thể quyết định tương lai của mình.
Kỳ thi này chỉ diễn ra một lần mỗi năm và có thể quyết định thí sinh được vào trường Đại học nào hoặc bị loại, từ đó ảnh hưởng đến sự nghiệp, thu nhập và cả tương lai của họ.
Suneung không chỉ là một kỳ thi học thuật mà còn là một sự kiện quan trọng của xã hội, nơi cả đất nước chung tay hỗ trợ thí sinh. Vào ngày thi, các công ty điều chỉnh giờ làm, công trình xây dựng tạm dừng, thậm chí máy bay cũng thay đổi lộ trình để đảm bảo không gian yên tĩnh, giúp thí sinh có điều kiện tốt nhất để làm bài.
Chủ nghĩa bằng cấp và sự phân tầng xã hội
Chủ nghĩa bằng cấp đã trở thành một phần không thể tách rời của nền kinh tế Hàn Quốc, khi các tập đoàn gia đình (chaebol) như Samsung và Hyundai khai thác lực lượng lao động trình độ cao để chiếm lĩnh thị trường.
Các công ty này vẫn ưu tiên tuyển dụng từ các trường Đại học hàng đầu, và kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, giá trị của một tấm bằng danh giá càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo Viện Nghiên cứu NLI tại Tokyo, sinh viên tốt nghiệp từ các trường Đại học danh giá ở Hàn Quốc có mức lương khởi điểm cao hơn 1,52 lần so với những người làm việc tại các công ty nhỏ hơn – chênh lệch lớn hơn đáng kể so với tỷ lệ 1,13 tại Nhật Bản. Khoảng cách lương sâu sắc này vừa thúc đẩy vừa là hệ quả của cuộc chạy đua vào các trường Đại học hàng đầu.

Áp lực “đè nặng” tuổi thơ
Hệ thống này đang gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến lực lượng lao động tương lai mà còn lấy đi tuổi thơ của trẻ em. Theo khảo sát năm 2023 của tổ chức phi lợi nhuận ChildFund Korea, 87% trẻ em và thanh thiếu niên Hàn Quốc cho biết họ không hạnh phúc, chủ yếu vì thiếu ngủ và áp lực học tập quá lớn.
Năm 2023, số vụ học sinh tự tử tại Hàn Quốc đạt mức kỷ lục 214 trường hợp, tăng hơn gấp đôi so với 8 năm trước, theo The Korea Times. Trong đó, áp lực học tập là nguyên nhân hàng đầu, chiếm 35 trường hợp.
Bà Ok Jiwon, thành viên Ủy ban Tổng thống về Chính sách Dân số và Xã hội Lão hóa của Chính phủ nhận định: “Hàn Quốc là một quốc gia không cho phép cơ hội thứ hai”, điều này khiến giới trẻ phải gánh chịu áp lực vô cùng lớn.
“SKY” và cánh cửa cuộc đời
Kỳ thi tuyển sinh Đại học chính là nền tảng của hệ thống phân tầng xã hội này. Đỗ vào một trong ba trường thuộc nhóm "SKY" – Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Korea và Đại học Yonsei – không chỉ mở ra cơ hội nghề nghiệp mà còn tác động đến hôn nhân và vị thế xã hội của mỗi cá nhân.
Sự cạnh tranh khốc liệt đã biến giấc mơ đại học thành một canh bạc, khiến nhiều gia đình chấp nhận chi số tiền khổng lồ cho giáo dục tư nhân. Theo Korea Herald, gần 80% học sinh Hàn Quốc theo học các lò luyện thi (hagwon), với một số gia đình chi tới 4 triệu won (hơn 69 triệu đồng) mỗi tháng cho việc học thêm.
Áp lực này đã dẫn đến sự hình thành của "thế hệ N-po", trong đó “N” tượng trưng cho số lượng vô hạn, còn “po” có nghĩa là từ bỏ. Nhiều thanh niên Hàn Quốc buộc phải từ bỏ hôn nhân, sinh con, mua nhà và thậm chí cả các mối quan hệ lãng mạn, vì họ tin rằng những điều đó ngoài tầm với nếu chưa đạt được thành công trong học tập và sự nghiệp.
Con người dần bị đánh giá qua một danh sách thành tích thay vì giá trị thực sự của họ. Giới trẻ Hàn Quốc thường dùng từ “specs” (thông số kỹ thuật) để mô tả bản thân và người khác, bao gồm trường Đại học, ngoại hình, công ty làm việc và tài sản cá nhân. Xã hội không còn nhìn nhận con người qua tính cách hay phẩm chất, mà biến họ thành những bản lý lịch sống.
Nỗ lực thay đổi nhưng thất bại
Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực giảm bớt áp lực học tập, nhưng nhiều biện pháp lại phản tác dụng. Khi chính quyền cấm các lò luyện thi hoạt động sau 10 giờ tối, nhiều bậc phụ huynh liền chuyển hướng, đăng ký cho con tham gia các lớp học thể thao hoặc các chương trình học thêm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ.
Các công ty cũng được khuyến khích áp dụng chính sách tuyển dụng “mù” (blind recruitment), tức là không xét đến trường Đại học của ứng viên. Tuy nhiên, biện pháp này gây nhiều tranh cãi. Bà Ok Jiwon đặt câu hỏi: “Liệu có công bằng không khi sinh viên không thể ghi tên trường Đại học mà họ đã nỗ lực hết mình để vào trong hồ sơ xin việc?”
Dù Hàn Quốc cho phép sinh viên chuyển trường, nhiều người vẫn chọn thi lại Đại học, vì họ muốn bắt đầu lại từ đầu thay vì chấp nhận trường cũ.
Trớ trêu thay, các chính sách của Chính phủ lại khiến chủ nghĩa bằng cấp càng ăn sâu hơn. Khi hệ thống giáo dục liên tục thay đổi, phụ huynh càng tập trung vào thành tích học tập của con cái để đảm bảo tương lai chắc chắn.
Hệ quả: Từ tự tử đến khủng hoảng dân số
Việc đặt nặng thành tích học tập không chỉ làm gia tăng tỷ lệ tự tử và bạo lực học đường mà còn góp phần đẩy tỷ lệ sinh  của Hàn Quốc xuống mức thấp nhất thế giới. Năm 2023, con số này chỉ đạt 0,72 – thậm chí còn thấp hơn mức kỷ lục 1,20 của Nhật Bản.
Việc thiếu cơ hội rèn luyện kỹ năng xã hội khiến nhiều người trẻ gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ thân mật. Theo cuộc khảo sát năm 2022 của Hiệp hội Dân số và Phúc lợi Hàn Quốc, hơn 65% thanh niên từ 19 đến 34 tuổi cho biết họ không hẹn hò.
Ngoài ra, những người trưởng thành sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1997 cũng đặt ra kỳ vọng tài chính cao trong chuyện tình cảm, khiến việc hẹn hò và kết hôn trở nên khó khăn hơn.
Bà Lee Hyowon, thành viên Ủy ban Giáo dục của Seoul, nhận định: “Cha mẹ mong muốn con cái có sự nghiệp ổn định trước khi lập gia đình, nhưng điều này không thực tế khi họ còn trẻ”.
Để giải quyết vấn đề này, không thể chỉ dựa vào Chính phủ. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản cần thay đổi quan niệm về thành công, mở rộng cơ hội nghề nghiệp và cải cách hệ thống tuyển dụng để giảm bớt áp lực học tập lên giới trẻ.
Như bà Ok nhấn mạnh: “Mức lương của người trẻ hiện nay quá thấp so với trình độ của họ”. Nếu không có sự thay đổi, chủ nghĩa bằng cấp không chỉ tiếp tục gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của giới trẻ mà còn đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tương lai của cả đất nước.
Tham khảo JPT
Lo cạn kiệt dân số, huyện ít dân nhất Hàn Quốc muốn mở cửa cho người tị nạn Myanmar 
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc trì hoãn phán quyết luận tội Tổng thống Yoon