Nhiều người cho rằng uống bia 0 độ thì nồng độ cồn bằng 0 và có thể lái xe, điều này đúng hay sai?
Hiện nay có nhiều loại bia với nồng độ cồn  khác nhau. Đa số bia chứa 5-8% nồng độ cồn, có loại cao hơn từ 8-15%. Đối với bia có nồng độ cồn bằng 0 hay còn gọi là bia chay, là sản phẩm đã được tách chiết hết cồn hoặc được ủ để chứa lượng cồn thấp hơn mức cho phép.
Thực tế, nhiều loại bia quảng cáo là 0 độ cồn nhưng vẫn chứa khoảng 0,5%. Nhiều quốc gia có quy định nồng độ cồn trong bia khác nhau. Ví dụ, theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), đồ uống có nồng độ cồn dưới 0,5% thì có thể xem là không cồn. Tại Đức cũng tương tự. Trong khi đó, ở Italy, bia 0 cồn thực chất chứa nồng độ cồn tới 1,2%. Tại Anh, chai bia được dán nhãn "0 cồn" có nồng độ cồn thấp hơn 0,05%.
Nếu bạn sử dụng các loại bia trên nhãn ghi là 0 cồn, hơi thở bạn vẫn có nồng độ cồn ở ngưỡng thấp. Nếu tham gia giao thông, bị yêu cầu dừng lại thổi nồng độ cồn bằng máy đo chuyên dụng có thể dương tính và vi phạm.
Hơn nữa, sử dụng đồ uống có cồn  về cơ bản đều không tốt, dù uống trong mức được khuyến cáo nhưng nếu uống liên tục, vẫn có thể làm gia tăng gánh nặng cho gan, khiến gan quá tải. Đó là vì gan đảm trách không chỉ nhiệm vụ chuyển hóa cồn (từ chất có hại thành chất không có hoặc ít có hại rồi thải ra ngoài qua hệ bài tiết) mà còn nhiều nhiệm vụ khác.
Uống bia không cồn, 0 độ, về cơ bản không mang lại lợi ích quá nhiều so với bia có cồn. Dù các loại bia có nồng độ cồn 0,5% trở xuống có thể chỉ khiến người uống có cảm giác “lâng lâng” như ăn các loại hoa quả lên men (như chuối chín kỹ), nhưng sau khi uống 1 két bia này, tình hình có thể thay đổi theo hướng tiêu cực hơn.
Với quy định gần như mang tính tuyệt đối như hiện nay, một số loại bia được dán nhãn “không cồn” vẫn có thể sẽ khiến người cầm lái đối diện nguy cơ bị xử phạt nếu lượng uống quá nhiều hoặc loại bia được chọn có nồng độ cồn cao hơn công bố.
Vì vậy, khi sử dụng sản phẩm này, bạn vẫn cần thời gian để đào thải hết nồng độ cồn trong máu và hơi thở mới được tham gia giao thông. Tốt nhất không nên uống bia dù là bia 0 độ cồn.
Các chuyên gia đều khuyến cáo để đảm bảo sức khỏe, nên uống theo khuyến nghị, với phụ nữ là 330ml tương đương với một lon bia và có nồng độ cồn là 5%; nam giới là hai lon bia. Thời gian để đào thải nồng độ cồn 4-6 tiếng tùy vào cơ địa mỗi người.
Các yếu tố tác động tới nồng độ cồn sau khi uống rượu bia 
Cùng uống 2 lon bia, tại sao có người 4 tiếng nồng độ cồn về 0, người vẫn còn?