Ngày 29/4/2022, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để đề nghị được hoãn công bố báo cáo tài chính quý I/2022.
Lý do mà Vietnam Airlines đưa ra là nhiều cán bộ nhân viên kế toán phải cách ly, điều trị COVID-19. Các nhân sự còn lại phải ưu tiên hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 nên chưa thể tập trung lập báo cáo tài chính quý I/2022.
Vietnam Airlines cam kết sẽ công bố đầy đủ báo cáo tài chính quý I/2022, nhưng không nêu thời hạn cụ thể.
Ngày 11/5/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết lý do mà Vietnam Airlines đưa ra trong công văn ngày 29/4 là không phù hợp. Vì vậy, Ủy ban yêu cầu Vietnam Airlines phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Ủy ban còn đề nghị Vietnam Airlines khẩn trương công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 và báo cáo thường niên năm 2021.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 14, Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính, tổ chức niêm yết cổ phiếu quy mô lớn phải phải công bố báo cáo tài chính quý trong vòng 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý, tức là báo cáo quý I/2022 phải được công bố chậm nhất vào ngày 20/4/2022.
Nếu tổ chức niêm yết cổ phiếu quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác như với trường hợp Vietnam Airlines thì phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý, tức là phải công bố báo cáo quý I chậm nhất vào ngày 30/4.
Công ty đại chúng phải công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm, tức là báo cáo năm 2021 phải được công bố chậm nhất vào ngày 31/3/2022.
Báo cáo thường niên phải được công bố trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày công bố báo cáo tài chính năm được kiểm toán nhưng không vượt quá 110 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tức là báo cáo thường niên 2021 phải được công bố chậm nhất vào ngày 10/4/2022.
Hiện nay đã quá thời hạn công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021, báo cáo thường niên 2021 và báo cáo tài chính quý I/2022 nhưng Vietnam Airlines vẫn chưa nộp ba loại báo cáo này.
Một doanh nghiệp đại chúng khác trong ngành hàng không là Vietjet (Mã: VJC) đã công bố cả ba loại báo cáo kể trên. Tuy nhiên, Vietjet cũng đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM(HOSE) nhắc nhở vì báo cáo tài chính quý I/2022 nộp ngày 30/4 thiếu phần thuyết minh và không đóng dấu đỏ theo quy định.
Trong 4 tháng đầu năm nay, Vietnam Airlines khai thác 33.108 chuyến bay, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Vietjet Air khai thác 28.150 chuyến, giảm 3,6%. Thống kê bên trên cho thấy tỷ lệ cất cánh đúng giờ của cả hai hãng bay này đều dưới 90%.
Báo cáo tài chính quý IV/2021 (chưa kiểm toán) của Vietnam Airlines cho thấy tổng công này lỗ sau thuế 13.338 tỷ đồng trong năm ngoái. Lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12 là xấp xỉ 22.000 tỷ đồng, vẫn nhỏ hơn vốn điều lệ. Vốn chủ sở hữu cuối năm của Vietnam Airlines vẫn là số dương.
Những quyền lợi đặc biệt khi sử dụng hạng ghế mới của Vietnam Airlines 
Vietnam Airlines (HVN) đạt tỷ lệ chuyến bay đúng giờ xấp xỉ 82%