Xã hội

'Vá' rừng bằng cây gỗ lớn

GIANG THANH 14/10/2024 - 08:02

Từ bỏ lợi ích kinh tế trước mắt, nhiều hộ trồng rừng trên địa bàn Đà Nẵng mạnh dạn chuyển đổi rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn với mong muốn góp sức “vá” rừng, tạo sinh kế bền vững dưới tán rừng cho thế hệ sau.

Tạo sinh kế bền vững

Chỉ nửa tháng sau khi nhận cây giống sao đen, ông Thiều Song (thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) đã trồng xong hơn 1ha rừng cây gỗ lớn. Những trận nắng gay gắt đã qua đi cùng mùa hè, “uống” những cơn mưa đầu mùa, cả ngàn cây sao đen vươn mình khỏe khoắn trên khoảnh rừng vốn bao đời nay chỉ trồng keo. Cả cuộc đời gắn bó với rừng, làm kinh tế bằng việc trồng keo, ấy vậy mà, ở tuổi ngoài lục tuần, ông Song lại từ bỏ kế sinh nhai đã nuôi sống gia đình, nuôi lớn những đứa con của mình.

'Vá' rừng bằng cây gỗ lớn ảnh 1
Nhiều chủ rừng với diện tích lớn đồng thuận trồng mới, chuyển đổi cây nguyên liệu gỗ lớn, trồng cây gỗ lớn bản địa để bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học.

Đôi mắt đăm đăm nhìn về những vạt rừng thăm thẳm, ông kể rằng đầu năm 2023, khi được UBND xã vận động chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn, ông cũng mất nhiều đêm trằn trọc. “Trước đây, mỗi vụ keo chỉ kéo dài khoảng 4 - 5 năm là có thể bán lấy tiền. Nhưng nếu tham gia chuyển hóa, phải chờ 8 - 10 năm, lâu gấp đôi lúc trước. Trong khi kinh tế gia đình tôi chỉ trông vào trồng rừng”, ông Song nhớ lại.

Bàn bạc với vợ cùng các con, ông quyết định đăng ký tham gia, chuyển hóa hơn chục ha keo sắp đến độ thu hoạch, bỏ qua nguồn thu vài trăm triệu trước mắt.

'Vá' rừng bằng cây gỗ lớn ảnh 2
Bên cạnh trồng rừng, các chủ rừng cũng tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Đến đầu năm nay, khi có dự án hỗ trợ cây giống gỗ lớn, ông Song là một trong 5 hộ tiên phong đăng ký trồng với diện tích khoảng 1ha. Nghĩ là làm, ông đốt dọn thực bì, chuẩn bị đất để sẵn sàng phủ xanh khoảnh đất rừng ở đỉnh đồi bằng cây bản địa sao đen. Toàn bộ diện tích rừng của ông chỉ còn khoảng hơn 1,5 ha trồng keo ngắn ngày ở tầng rừng thấp để làm sinh kế cho đôi vợ chồng già. “Dần dần, nếu cây gỗ lớn hợp thổ nhưỡng, sinh trưởng tốt, tui cũng sẽ chuyển đổi diện tích còn lại này sang trồng cây gỗ lớn bản địa. Lợi ích kinh tế thì đời tui chưa chắc đã hưởng được nhưng lợi ích về môi trường, giữ nước, làm giàu đất, làm đa dạng rừng Hòa Phú chắc chắn sẽ bền vững”, ông Song chia sẻ.

Mười mấy năm trước, ông Nguyễn Văn Trung (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) bỏ phố về vùng núi để làm kinh tế rừng. Ba anh em ông mua một quả đồi để trồng rừng, phủ xanh đồi trọc. Nhưng không chọn trồng keo như hai người còn lại, ông Trung chọn trồng cây gỗ lớn để “vá” những khoảng rừng loang lổ của Hòa Bắc thời điểm bấy giờ. Hơn 40ha rừng của ông được phủ xanh bởi cây dó, cây quế, cây sưa đỏ… Lúc đó, nhiều người mắng ông khùng bởi trồng keo thu hoạch nhanh, lợi ích kinh tế lớn nhưng ông bỏ ngoài tai. Để duy trì sinh kế, ông mua bò giống để thả trong rừng. 3ha diện tích ở chân đồi, ông trồng các loại cây ăn quả, cây ngắn ngày, đào ao thả cá…

'Vá' rừng bằng cây gỗ lớn ảnh 3
Ông Thiều Song trồng mới hơn 1ha rừng gỗ lớn bản địa, đồng thời, chuyển đổi trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn với diện tích hơn 10,5ha.

Giờ đây, khi UBND xã Hòa Bắc vận động trồng rừng cây gỗ lớn, ông Trung cũng là một trong những hộ tiên phong, đăng ký nhận trồng cây gỗ lớn bản địa. “Phải mất chừng đó năm, những hộ dân xung quanh mới dần thay đổi được nhận thức, thấy được tác hại của việc phụ thuộc vào cây keo đối với đất, với đa dạng sinh học tự nhiên. Nhưng không bao giờ là quá muộn để thay đổi, nếu thế hệ chúng ta bắt đầu thì thế hệ sau sẽ được hưởng thụ những giá trị của rừng mang lại”, ông Trung chia sẻ.

Giữ rừng cho thế hệ sau

Ông Song, ông Trung chỉ là hai trong hàng chục chủ rừng ở xã Hòa Phú, Hòa Bắc tiên phong tham gia phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn Đà Nẵng theo Nghị quyết 254 năm 2019 của HĐND TP. Đà Nẵng. Theo UBND xã Hòa Phú, qua 3 năm triển khai (từ năm 2022 đến nay), có 23 hộ chủ rừng đã tham gia trồng mới và chuyển hóa rừng nguyên liệu gỗ lớn với diện tích khoảng 200ha, trong đó, có gần 16ha chuyển đổi hoàn toàn từ trồng keo sang trồng cây gỗ lớn bản địa.

Theo ông Huỳnh Tấn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, từ lâu nay, trồng rừng vốn là sinh kế chính của người dân trên địa bàn, người dân chủ yếu trồng cây keo với chu kỳ khoảng 4 - 5 năm. Vì vậy, việc vận động người dân trồng mới hoặc chuyển hóa sang cây nguyên liệu gỗ lớn gặp nhiều khó khăn bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân. Tuy nhiên, với sự vận động của chính quyền địa phương, nhiều chủ rừng với diện tích rừng trồng lớn đã đồng ý chuyển đổi.

“So với diện tích rừng trồng keo trên địa bàn khoảng 3.000ha, diện tích chuyển đổi vẫn chưa đáng kể. Chính quyền địa phương cũng hiểu được việc thay đổi nhận thức của người dân là quá trình lâu dài. Việc chuyển đổi cũng phải thực hiện từng bước để bà con có thể lấy ngắn nuôi dài, đảm bảo sinh kế”, ông Sinh nói.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng việc triển khai Nghị quyết 254 thu hút người dân tham gia trồng rừng với các loài cây bản địa, cây gỗ quý hiếm, sinh trưởng chậm có giá trị kinh tế cao. Đã có khoảng 31 hộ được hỗ trợ kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng trên diện tích hơn 423ha rừng. Hiện, Sở NN&PTNT đang đề xuất điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết, trong đó, thay đổi định mức và nội dung hỗ trợ phù hợp với thực tế; rút ngắn các thủ tục; giao các địa phương có rừng chủ trì, làm chủ đầu tư để tổ chức triển khai thực hiện chương trình trồng rừng gỗ lớn…

Còn trên địa bàn xã Hòa Bắc, đến nay, có khoảng 170ha được người dân trồng mới cây nguyên liệu gỗ lớn và 60ha diện tích rừng chuyển hóa. Đầu năm 2024, có khoảng 11 hộ dân ở thôn Tà Lang và Giàn Bí tham gia trồng rừng gỗ lớn bản địa với diện tích khoảng 26ha. Theo ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, địa phương cũng đang nỗ lực vận động người dân chuyển đổi trồng cây gỗ lớn để tạo sinh kế bền vững, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học rừng.

Thời gian qua, bên cạnh việc chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn, nhiều hộ trồng rừng trên địa bàn huyện Hòa Vang cũng tiên phong giữ rừng, tham gia các nhóm dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ những cánh rừng tự nhiên bạt ngàn của Đà Nẵng. Nhiều năm nay, cứ đều đặn mỗi tháng 4 - 5 lần, ông Võ Sơn (57 tuổi, thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú) cùng các thành viên trong nhóm 3 đều đặn tuần rừng nơi nhóm của ông được giao khoán bảo vệ.

“Tiền công dịch vụ giao khoán mỗi tháng cho các thành viên chắc chỉ đủ xăng xe nhưng anh em vẫn làm với nhiệt huyết và trách nhiệm với rừng, bởi chúng tôi hiểu được giá trị của rừng đối với con người và mong muốn gìn giữ rừng cho con cháu”, ông Sơn chia sẻ.

>> Dòng thác hoang sơ nằm sâu trong rừng nguyên sinh ít người biết đến, chỉ cách TP. Huế 40km

Hơn 100 người tìm kiếm phụ nữ đi lạc trong rừng nhiều ngày

Lang thang trong rừng tìm thấy 'kho báu' lấp lánh trị giá 2,2 tỷ đồng, tồn tại từ 7 thế kỷ trước

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/va-rung-bang-cay-go-lon-post1682063.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    'Vá' rừng bằng cây gỗ lớn
    POWERED BY ONECMS & INTECH