Vài tháng nữa, thông tuyến trục đường nối từ cửa biển lớn nhất ĐBSCL đến tỉnh có hạ tầng '4 không'
Khi hoàn thiện, tuyến đường không chỉ rút ngắn khoảng cách di chuyển mà còn mở ra động lực phát triển mới cho vùng đất cực Nam Tổ quốc.
Tuyến đường trục Đông - Tây tỉnh Cà Mau là một trong những dự án hạ tầng giao thông chiến lược của địa phương, với mục tiêu kết nối hiệu quả hai vùng trọng điểm: phía Đông là cửa biển Gành Hào (huyện Đầm Dơi) và phía Tây là cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời).
Dự án xây dựng cầu sông Ông Đốc, tuyến trục Đông Tây và cầu Gành Hào có 3 dự án thành phần, tổng mức đầu tư 2.149 tỷ đồng, do Ban quản lý Dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư, thực hiện giai đoạn 2021-2025.
> > Chỉ 2 tháng nữa, thị xã lâu đời nhất Việt Nam sẽ bị gạch tên vai trò khỏi bản đồ hành chính

Trong đó, cầu Sông Ông Đốc đã hoàn thành vào cuối năm 2023, dài hơn 1,4km, phần cầu chính rộng 13m, góp phần quan trọng giúp nối liền tuyến giao thông từ vùng trung tâm ra biển phía Tây. Từ khi có cầu Ông Đốc, Sông Đốc vốn là một trong những cửa biển lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thêm sôi động với hoạt động giao thương thuận tiện.
Từ cầu Ông Đốc, đi theo tuyến đường từ bờ Nam Sông Đốc dài khoảng 23km, sẽ đến điểm đầu của dự án thành phần 2 là tuyến trục Đông Tây. Đường này cắt với Quốc lộ 1, thuộc địa bàn xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước.

Tuyến đường của dự án thành phần 2 dài 18km, có 15 cầu, khởi công vào quý III năm 2021, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng toàn bộ các công trình vào đầu năm 2024. Điểm cuối của tuyến trục Đông Tây giao với đường Cà Mau – Đầm Dơi, tại địa bàn xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi.
Dự án thành phần 3 - dự án cuối cùng của trục Đông Tây là cầu Gành Hào. Cầu Gành Hào – cây cầu lớn nhất từ trước đến nay nối liền hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu – vừa được thông xe kỹ thuật vào giữa tháng 4/2025. Cầu dài 770m, mặt cầu rộng 12m, có 17 nhịp, thiết kế 4 làn xe và vận tốc 60km/h, tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển hàng hóa và phát triển du lịch giữa hai tỉnh.

Theo chủ đầu tư, đây là dự án lớn, các công trình thi công trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn vật liệu khan hiếm và biến động tăng cao, thiết kế và thi công trong vùng điều kiện địa chất, địa hình rất phức tạp... Tuy nhiên với sự nỗ lực của các đơn vị, công trình đã được thi công đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Dự án sẽ thông tuyến hoàn chỉnh từ Đông sang Tây vào cuối quý II/2025, hoàn thành vào cuối năm nay.
Dự án khi hoàn thiện sẽ không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển giữa các khu vực ven biển mà còn mở ra cơ hội phát triển thương mại, dịch vụ và thu hút đầu tư cho Cà Mau và cả vùng ĐBSCL.
Bạc Liêu là tỉnh thuộc vùng trũng về hạ tầng giao thông vì không có cả 4 loại hình giao thông quan trọng như cảng biển, cao tốc, sân bay, đường sắt, do vậy việc đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm. Bởi vậy, những dự án hạ tầng giao thông qua tỉnh này đang được chú trọng đẩy mạnh.