Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông có khoảng 30 năm gắn bó khá thân tình với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Việt Nam
Chu Văn Tấn xuất thân người dân tộc Nùng. Ông sinh năm 1910 tại tổng Lâu Thượng, châu Võ Nhai, tỉnh Lạng Sơn  (nay thuộc xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên). Ông xuất thân trong một gia đình thổ hào, có điều kiện ăn học đầy đủ và đã có thời gian dạy học ở Bắc Hà.
Là người có học vấn và có tinh thần tự trị, ông thường xuyên đấu tranh với những quan chức thực dân để giảm áp bức và sưu thuế, vì vậy rất có uy tín với dân chúng trong vùng. Chính vì vậy, những người Cộng sản đã tìm cách bắt liên lạc và vận động ông tham gia cách mạng nhằm tranh thủ một thủ lĩnh địa phương để lôi kéo đồng bào các dân tộc trong vùng.
Năm 1934 Chu Văn Tấn chính thức gia nhập hàng ngũ những người cộng sản. Dưới sự hướng dẫn của những người Cộng sản, ông bí mật xây dựng các đội tự vệ bán vũ trang Tràng Xá, Võ Nhai. Năm 1936, Chu Văn Tấn gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương với bí danh là Tân Hồng.
Với những chiến công vang dội trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, ngày 13/8/1945, TW Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc gồm các ông Trường Chinh,Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn. Hội nghị đã bầu bổ sung Chu Văn Tấn vào BCH TƯ.
Một ngày sau đó, 16/8, Quốc dân đại hội họp ở Tân Trào đã bầu Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh đứng đầu và Chu Văn Tấn được bầu là Ủy viên của ban này và ông tham gia tích cực lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa.
Sau thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa- cướp chính quyền, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên ra mắt quốc dân đồng bào. Chu Văn Tấn được bầu làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - chức danh lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Ông giữ chức vụ này cho đến ngày 2 tháng 3 năm 1946. Sau đó ông được cử là Phái viên của Chính phủ đi kiểm tra Khu 4. Năm 1948, Chu Văn Tấn làm Khu trưởng Khu 4 rồi Chiến khu 1, Bí thư Khu ủy. Cùng năm này, ông được phong quân hàm Thiếu tướng cùng với 10 tướng lĩnh khác trong đợt phong hàm đầu tiên.
Từ năm 1949 đến năm 1954, ông làm Khu trưởng, Bí thư khu ủy Liên khu Việt Bắc, Chánh án Tòa án Quân sự, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tháng 2 năm 1951 và Đại hội lần thứ III tháng 9/1960 Chu Văn Tấn được bầu làm Ủy viên chính thức BCH TƯ.
Từ năm 1954 đến cuối năm 1956, ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư quân khu ủy Liên khu Việt Bắc. Từ năm 1957 đến cuối năm 1975, ông làm Chính ủy, Bí thư khu ủy Quân khu Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban hành chính Khu tự trị Việt Bắc. Ngày 31 tháng 8 năm 1959, ông được thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng và là một trong hai Thượng tướng lúc bấy giờ.
Ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa III đến khóa V, Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa V; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông cũng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa I, II và III; đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa V.
Năm 1976, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất.
‘ Hùm xám Bắc Sơn ’ trong bộ phim của người Pháp
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình ông Chu Văn Tấn có khoảng 30 năm gắn bó khá thân tình với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chu Văn Tấn có một sức hấp dẫn lớn đối với đồng bào các dân tộc khu tự trị Việt Bắc, đặc biệt là dân tộc Tày, Nùng. Những người làm việc dưới quyền ông đều coi ông là mẫu hình lý tưởng để vươn tới.
Đặc biệt, hình ảnh một Chu Văn Tấn tài tính, mưu trí còn từng khiến nhiều người Pháp mất ăn mất ngủ khi xuất hiện trong bộ phim “Hùm xám Bắc Sơn”.
Nữ đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, tác giả hồi ký Gánh gánh gồng gồng (NXB Hội Nhà văn, 2020), chia sẻ: Năm 1967 - 1968, đạo diễn người Pháp, Gérald Guillaume, sang Việt Nam làm bộ phim tài liệu Hồ Chí Minh - chân dung một lãnh tụ. Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng làm phiên dịch. Viết xong kịch bản và quay xong những thước phim nhựa tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Gérald Guillaume đề đạt nguyện vọng muốn dựng thêm bộ phim về một nhân vật lãnh đạo khác nhưng phải “rất Việt Nam”. Hồ Chủ tịch vui vẻ nói: “Đồng chí Vũ Kỳ sẽ lo thủ tục đưa đoàn lên Việt Bắc, làm phim về “Hùm xám Bắc Sơn”!
Đạo diễn Gérald Guillaume lên Thái Nguyên, vào Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc. Đoàn làm phim được Thượng tướng Chu Văn Tấn - Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu - tiếp đón thịnh tình. Sau đó đích thân Thượng tướng đưa đoàn về phỏng vấn và thực hiện quay tại xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, quê hương ông. Rồi ông dẫn đoàn đi lấy tư liệu ở các địa danh lịch sử mà Đội du kích Bắc Sơn, Trung đội Cứu quốc quân từng chiến đấu, trong đó có vai trò chỉ huy của ông.
Trước sự lớn mạnh của các đơn vị Cứu quốc quân ở khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai của Việt Minh, thực dân Pháp tập trung lực lượng mở các cuộc càn quét tàn khốc. Không bắt được Chu Văn Tấn, thực dân Pháp và chính quyền tay sai cho bắt cụ thân sinh ra ông bỏ tù hòng chiêu dụ ông về hàng. Tàn bạo hơn, chúng còn cho đào phần mộ tổ tiên của ông lên...
Để tránh bị tiêu diệt, Chu Văn Tấn cùng ban chỉ huy Cứu quốc quân thống nhất chủ trương “hóa chỉnh vi linh”, đưa bộ phận lớn rút lên biên giới Việt - Trung, bộ phận còn lại phân tán trong nhân dân làm công tác tuyên truyền vũ trang, gây cơ sở trong quần chúng. Sau một năm trên biên giới Việt - Trung, Chu Văn Tấn trở về cùng Cứu quốc quân, mở rộng cơ sở vùng căn cứ địa quê hương ông, xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh của Mặt trận Việt Minh.
Trở về Hà Nội, đạo diễn Gérald Guillaume tâm sự: “Ông Chu Văn Tấn là một con người vĩ đại theo đúng nghĩa của từ này!”
Bộ phim “Hùm xám Bắc Sơn” được chiếu rộng rãi tại các trung tâm huấn luyện quân sự và các trường quân sự tại Pháp, đã khiến các tướng lĩnh Pháp ngỡ ngàng trước đối thủ của họ từ gần 30 năm trước.