Vì đâu đấu giá đất vùng ven Hà Nội lên tới hơn 133 triệu/m2?
Việc đất vùng ven tại Hà Nội liên tục được đẩy giá trong các phiên đấu giá gần đây theo chuyên gia nhận định có thể do xuất hiện nhóm đầu cơ 'thao túng, thổi giá'.
Chưa qua cơn ‘sốt nóng’: Vừa ‘rời sàn’, rao bán ngay đã kiếm hơn nửa tỷ?
Sáng ngày 19/8, huyện Hoài Đức đã tổ chức buổi đấu giá 19 thửa đất tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên.
Theo đó, các lô đất có diện tích 74-118m2 được mang ra đấu giá với mức giá khởi điểm từ 7,3 triệu đồng/m2 (mức đặt cọc của nhà đầu tư, tương đương 20% giá khởi điểm, trong khoảng từ 109 triệu đồng đến gần 173 triệu đồng mỗi lô).
Phiên đấu giá 19 lô đất tại thôn Lòng Khúc kéo dài hơn 19h đồng hồ, kết thúc vào lúc 4h30 phút sáng ngày 20/8 sau 9 vòng chào giá; đây được xem là phiên đấu giá đất xuyên đêm đầu tiên tại Hà Nội được ghi nhận tại một huyện vùng ven.
>> Giá chung cư Hà Nội được dự báo sẽ tiếp đà bật tăng 
Tuy nhiên, một trong những điều đáng bàn đến không chỉ bởi "sức nóng" của những lô đất này mà "dòng chảy" của nó sau khi "lên sàn" cũng khiến nhiều người quan tâm.
Theo đó, những lô đất trúng đấu giá tại huyện Hoài Đức vừa mới "rời sàn" lúc rạng sáng ngày 20/8 đã tiếp tục được các "cò đất" rao bán với mức giá chênh 600 triệu đồng/lô.
Thông tin ghi nhận trên báo Tiền Phong cho thấy, chỉ ngay khi phiên đấu giá đất tại thôn Lòng Khúc kết thúc, đã có nhan nhản các sàn môi giới "mọc lên" ngay cạnh khu đất. Các "cò đất" thậm chí dựng ô, kê bàn ghế tư vấn và mời chào khách ngay giữa khu đất đấu giá.
Theo như những gì được những "nhân viên sàn bất động sản" này mô tả, nhiều nhà đầu tư có nhu cầu bán chênh nên đã gửi các "sàn bất động sản" để tìm khách. Giá chênh tại các lô đất tại đây hiện dao động từ 250-600 triệu đồng/lô tùy từng vị trí.
Lý giải về việc các lô đất này được rao bán lại với mức chênh cao, môi giới này cho biết, do nhà đầu tư đã đấu được lô đất với giá trúng rẻ hơn.
"Như lô 04,05 thuộc LK03, trúng đấu giá 91,3 triệu đồng/m2, trong khi lô 03 bên cạnh giá trúng là 97,3 triệu đồng/m2. Nếu anh có nhu cầu mua thì sẽ tiến hành ký hợp đồng cọc với chủ đất, tại thời điểm ký hợp đồng anh đóng tiền cọc + tiền chênh. Đồng thời hai bên ký ủy quyền định đoạt, sau đó nộp tiền trúng đấu giá theo quy định...", theo báo Tiền Phong.
Cao gấp 18 lần giá khởi điểm, cao hơn so với các khu vực lân cận, khu gần trung tâm TP
Giá trúng đấu giá cao nhất tại khu 19 lô thôn Lòng Khúc được đẩy lên mức 133,3 triệu đồng/m2 đối với LK03-12 là thửa ở góc, rộng hơn 113m2.
Như vậy, so với giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng, lô đất này được nhà đầu tư trả gấp hơn 18 lần.
Việc đẩy mức giá 133,3 triệu đồng/m2 sau phiên đấu giá tại xã Tiền Yên đã thiết lập mặt bằng giá mới tại đây, bởi giá này hiện cao hơn nhiều so với thị trường và khu vực xung quanh khu đất đấu giá.
Dạo quanh một loạt trên các trang thông tin nhà đất rao bán quanh khu vực đường Đại lộ Thăng Long cũng như những khu vực nằm gần trung tâm Hà Nội, dễ dàng nhận thấy khu vực xã Tiền Yên (nơi vừa diễn ra buổi đấu giá xuyên đêm) hiện đang có mức giá "nóng" hơn so với khu vực lân cận.
Đơn cử như lô đất ở khu dịch vụ Song Phương (nằm sát kề Đại lộ Thăng Long và ngay cạnh xã Tiền Yên) hiện đang được rao bán với mức giá khoảng 104,1 triệu/m2.
Hay dịch chuyển dần về phía trung tâm TP. Hà Nội, lô đất nằm sát sườn KĐT Bắc An Khánh được chính chủ rao với mức giá 111,1 triệu/m2.
Một lô đất ở khu vực Vân Canh, sát Vành đai 3,5 hiện cũng đang được rao bán 110,42tr/m2.
Rõ ràng có một nghịch lý ở đây khi các lô đất được rao bán có vị trí nằm gần sát đường đại lộ, đường vành đai có khoảng cách đi vào trung tâm TP gần hơn so với các lô đất mới được đưa "lên sàn" (thôn Lòng Khúc xã Tiền Yên) lại được rao bán với mức giá rẻ hơn nhiều.
Do xuất hiện đầu cơ “thao túng, thổi giá”?
Chia sẻ trên báo Tiền Phong, TS. Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường BĐS Việt Nam việc hình thành nên các "cơn sốt đất đấu giá" ở các huyện vùng ven như Hoài Đức, Thanh Oai... với mức giá trúng cao hơn nhiều so với thị trường một phần do các nhóm đầu cơ "thao túng, thổi giá".
Theo ông Lượng, sau quá trình theo dõi các phiên đấu giá gần đây, thực trạng xuất hiện nhiều nhóm nhà đầu tư từ Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang... tham gia đấu giá và trả với mức giá cao.
Vị chuyên gia này đánh giá đây là yếu tố đẩy giá nhà đất và bất động sản lên cao trong thời gian tới, khiến những người có nhu cầu thực rất khó để tiếp cận được nguồn hàng.
Ông Trần Xuân Lượng đề xuất cần tăng mức cọc lên 50% giá trị ban đầu, có kết quả trúng đấu giá phải từ 1-2 năm mới được mua bán, công chứng hoặc nếu chuyển nhượng lại trong khoảng thời gian trên thì tính thuế cao... nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá.
Trước đó, phiên đấu giá đất tại Thanh Oai diễn ra vào ngày 10/8 được đánh giá đã tạo nên kỷ lục giá đất mới tại xã Thanh Cao.
Không chỉ thu hút khoảng 1.600 người tham gia mà mặt bằng giá trúng cũng cao hơn từ 5 - 8 lần so với giá khởi điểm. Đáng chú ý, lô đất gần 65m2 có giá trúng cao nhất 100,5 triệu đồng/m2, cao hơn giá khởi điểm 88 triệu đồng.
Theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nửa đầu năm 2024, phân khúc đất nền tại các huyện ngoại thành Hà Nội đang sôi động trở lại.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, đất đấu giá có sôi động hay không phụ thuộc nhiều vào việc thị trường BĐS tại khu vực đó... đặc biệt đối với các khu vực huyện sắp lên quận hoặc có các dự án giao thông, khu vực đô thị được xây dựng.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, khi thị trường đất nền sôi động, việc đấu giá đất nhiều khả năng trở thành một thị trường đầu cơ mới thay vì tạo thêm nguồn cung mới cho người thực sự có nhu cầu.
Thực trạng các suất trúng đấu giá liên tục bị "mua đi bán lại" không phải hiếm, việc trúng đấu giá cao cũng sẽ thiết lập mặt bằng giá mới cho toàn bộ khu vực xung quanh và nhiều người sẽ căn cứ vào mức này để "đẩy giá" chuyển nhượng lên cao.
>> 13 trường hợp làm sổ đỏ không phải nộp tiền sử dụng đất từ 1/8 
Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô hơn 56.000 tỷ đồng đi qua 3 tỉnh sắp khởi công 
Nhà 'siêu dị' 4m2 giữa Hà Nội, trả 1 tỷ/m2 không bán, bên trong gây bất ngờ