Vì sao thịt lợn không thuộc diện hàng hoá bình ổn giá?

18-06-2023 20:54|Bảo Trâm

Mới đây, Chính phủ đã thống nhất không đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/6/2023, sau khi tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, ý kiến dư luận nhân dân, Chính phủ đã thống nhất không đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Thảo luận tại hội trường ngày 23/5 và 1/6 nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, thịt lợn, sữa cho người cao tuổi trong diện hàng bình ổn giá của Nhà nước là không phù hợp. Thay vào đó, danh mục hàng bình ổn giá nên là danh sách mở, không nên cố định trong luật và giao Bộ Tài chính quyết mặt hàng nào sẽ bình ổn.

Đại biểu Nguyễn Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, thịt lợn không phải là thiết yếu, do thói quen tiêu dùng của người dân hiện nay đa dạng hơn, có sự chuyển dịch sang sử dụng nhiều sản phẩm thuỷ sản, trứng gia cầm, thịt bò.

Với nguồn cung và thị trường, Đại biểu Nguyễn Kim Anh cho rằng, hiện 80% thịt lợn được bán trên chợ truyền thống nên việc tính toán giá thành sản phẩm, hỗ trợ giá dưới giá thành, can thiệp vào giá là rất khó. Bên cạnh đó, nếu đưa vào mặt hàng bình ổn giá thì cần kinh phí khá lớn trong khi ngân sách đang khó khăn.

Vì sao Chính phủ rút đề xuất đưa thịt lợn vào danh mục hàng bình ổn giá?

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ điều tiết hiệu quả, căn cơ về thị trường thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng. Chính phủ cần có nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho lạnh, trữ đông thịt gia súc, gia cầm để điều tiết giá. Khi giá thịt xuống mức thấp, xả kho để bình ổn giá, cần có chính sách hỗ trợ tái đàn của người chăn nuôi, ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi cả người chăn nuôi, người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu.

Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đã trình bày báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý Dự án Luật Giá (sửa đổi).

Trong báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, tiếp thu ý kiến các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến từng bộ, ngành liên quan; rà soát thận trọng; đánh giá cụ thể từng mặt hàng trong danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, ông Mạnh cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung gạo nếp, các loại thịt, trứng, rau củ, dầu ăn, mì gói, các loại gia vị nấu ăn vào danh mục. Trên cơ sở đánh giá tính thiết yếu và khả năng cung cầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các mặt hàng này có tính thị trường rất cao; gắn với quyền chủ động của các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng này.

Ông Mạnh cho biết, riêng thịt lợn là mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn, cơ bản thiết yếu đối với người dân và nếu gặp sự cố về dịch bệnh, cung ứng... sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Do vậy, tiếp thu ý kiến, Đại biểu Quốc hội đã bổ sung thịt lợn vào danh mục.

Như vậy, sau khi bỏ thịt lợn, sữa cho người già, danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) gồm:

1. Xăng, dầu thành phẩm.

2. Khí dầu mỏ hóa lỏng.

3. Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi.

4. Thóc tẻ, gạo tẻ.

5. Phân đạm; phân DAP; phân NPK.

6. Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.

7. Vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.

8. Thuốc bảo vệ thực vật.

9. Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Hà Nội dự trù lượng thực phẩm 'khủng' cho Tết Ất Tỵ 2025: Gần 300.000 tấn gạo, 60.000 tấn thịt lợn hơi, 20.000 tấn thịt gia cầm và 396 triệu quả trứng

Giá heo hơi hôm nay 6/1: miền Nam tăng nhẹ 1.000 đồng/kg

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vi-sao-thit-lon-khong-thuoc-dien-binh-on-gia-188330.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Vì sao thịt lợn không thuộc diện hàng hoá bình ổn giá?
    POWERED BY ONECMS & INTECH