Vị Tiến sĩ nước Việt đầu tiên sang phương Tây để 'chuộc đất': Xuất thân từ dòng họ khoa bảng lừng danh, đứng trên đất Pháp vẫn kiên quyết kể tội giặc

03-04-2024 07:37|Quỳnh Châu

Là một trong ba vị Tiến sĩ đầu tiên đi sứ phương Tây, ông để lại nhiều dấu ấn không chỉ trong quan nghiệp mà có ảnh hưởng đến thế hệ con cháu sau này.

Ông Ngụy Khắc Đản là con trai duy nhất của cụ Ngụy Khắc Thận, sinh năm 1817, đậu cử nhân khoa Tân Sửu năm 1841. Ông xuất thân trong gia đình nổi tiếng về sự học. Họ Ngụy của ông không bề thế, không có nhiều người đỗ đạt cao như họ Vũ ở Mộ Trạch (Hải Dương), họ Ngô ở Tam Sơn (Bắc Ninh), nhưng có nhiều người ra làm quan mà tài đức và trước tác của họ được sử sách dành nhiều trang ca ngợi.

Chân dung nhà khoa bảng Ngụy Khắc Đản

(TyGiaMoi.com) - Chân dung nhà khoa bảng Ngụy Khắc Đản

Năm 40 tuổi, Ngụy Khắc Đản đỗ Đình nguyên Thám hoa khoa Bính Thìn năm 1856. Ông ra làm quan, thăng dần lên Án sát Quảng Nam.

Tháng 8/1858, tàu chiến Pháp nã pháo tấn công Đà Nẵng. Đến ngày 5/6/1862, Hòa ước Nhâm Tuất được ký kết giữa triều đình Tự Đức và Pháp, nhưng phần thua thiệt nghiêng về phía Việt Nam.

Để chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường vừa bị mất sau hòa ước, năm 1863, Ngụy Khắc Đản được cử làm Bồi sứ trong phái đoàn của Phan Thanh Giản đi sang Pháp thương thuyết để chuộc lại lãnh thổ đã mất.

Về chuyến đi sứ này, "Đại Nam thực lục" ghi, vua Tự Đức "sai Hiệp biện Đại học sĩ là Phan Thanh Giản, Lại bộ Tả tham tri Phạm Phú Thứ, Án sát Quảng Nam là Ngụy Khắc Đản đi sang sứ Tây dương (Thanh Giản sung làm Chánh sứ, Phú Thứ sung làm Phó sứ, Khắc Đản sung làm Bồi sứ)". Nhận mệnh vua đại diện nước nhà sang Tây, đoàn sứ bộ từ Huế đi tàu vào Gia Định rồi theo tàu Européen vượt biển qua châu Âu.

Lần lượt đoàn ghé những vùng đất như Tân Gia Ba (Singapore), Ai Cập… Những ngày lênh đênh trên biển, nhiều lễ nghi giao tiếp quốc tế được sứ đoàn làm quen như bắt tay, bắn đại bác chào đón, tấu nhạc tiễn khách… Nhiều phong tục, kiến thức các vùng đất được tìm hiểu. Với chuyến đi này, Ngụy Khắc Đản là một trong 3 vị Tiến sĩ đầu tiên của nước ta đặt chân tới trời Tây.

Ảnh chụp sứ đoàn Việt Nam tại Pháp

(TyGiaMoi.com) - Ảnh chụp sứ đoàn Việt Nam tại Pháp

Trên đất Pháp, Ngụy Khắc Đản là một trong nhóm bốn người đã kể tội giặc, cùng với Phan Thanh Giản, Hồ Bảo Định và Nguyễn Trung Nguyên. Sau chuyến đi trở về, ông được bổ nhiệm nhiều chức vụ khác nhau trong triều đình như Bố chính Nghệ An, quyền Thượng thư bộ Binh, Công bộ Thượng thư sung Cơ mật viện, Tham biện.

Năm 1873, Ngụy Khắc Đản ốm mất ở quê nhà, thọ 56 tuổi. Vua Tự Đức thương tiếc, truy tặng hàm Thự hiệp biện đại học sĩ.

Không chỉ trở thành một trong ba Tiến sĩ đầu tiên của nước ta được đặt chân đến trời Tây, Ngụy Khắc Đản cùng với Phan Than Giản và Phạm Phú Thứ cũng chính là 3 người Việt đầu tiên được chụp ảnh chân dung.

Kế tục dòng họ vang danh, con trưởng của Ngụy Khắc Đản là Ngụy Khắc Khoan cũng học giỏi, đậu cử nhân và được cử làm Tri huyện. Tiếc rằng, ông mất lúc 23 tuổi, để lại một con trai là Ngụy Khắc Giản.

Sau này, Ngụy Khắc Giản đổi tên là Ngụy Hiến Tích. Năm Bính Ngọ (1906), đời vua Thành Thái, Ngụy Khắc Giản đậu cử nhân. Ông làm Huấn đạo huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), sau được điều ra Thanh Hóa làm kinh lịch giúp Tổng đốc Thanh Hóa.

Sinh thời, ông được nhân dân yêu mến bởi phong cách làm việc năng nổ, giải quyết công việc nhanh chóng, công bằng. Năm Tân Mùi (1931), mẹ mất, ông xin nghỉ để hương khói thờ phụng. Ông được phong Hồng lô tự khanh, sau lại phong Quang lộc tự khanh tòng tam phẩm. Nhân dân địa phương gọi ông là cụ Hường.

Ông Ngụy Khắc Giản là người quan tâm và góp phần làm thay đổi bộ mặt ở địa phương Xuân Viên thành một xã văn hóa và được vua phong bốn chữ vàng "Mỹ tục khả phong". Đây là danh hiệu cao quý ban cho những gia đình có nhiều đóng góp cho xã hội đương thời.

Tham khảo:

- Vị tiến sĩ nước Việt đầu tiên đi sứ phương Tây là ai? - Báo Giáo Dục và Thời Đại

- Dòng họ lừng danh sử Việt của tiến sĩ đầu tiên đến trời Tây - Tạp chí Tri thức

- Ai là tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam đến trời Tây? - Tạp chí Tri thức

>> Vị Trạng nguyên kiệt xuất, giỏi Toán nhất lịch sử Việt Nam: Sứ thần phương Bắc phải ngả mũ thán phục, tên được đặt cho nhiều địa danh

Dòng họ có 2 cha con tiến sĩ làm quan to, cuối đời từ chức vì 'quá vinh hiển'

Người Việt đầu tiên đỗ Trạng nguyên hai nước: Là người đứng đầu trong bia Tiến sĩ ở Văn Miếu, được vua Lê vẽ chân dung đặt cạnh ngai vàng

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-tien-si-nuoc-viet-dau-tien-sang-phuong-tay-de-chuoc-dat-xuat-than-tu-dong-ho-khoa-bang-lung-danh-dung-tren-dat-phap-van-kien-quyet-ke-toi-giac-d119411.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Vị Tiến sĩ nước Việt đầu tiên sang phương Tây để 'chuộc đất': Xuất thân từ dòng họ khoa bảng lừng danh, đứng trên đất Pháp vẫn kiên quyết kể tội giặc
    POWERED BY ONECMS & INTECH