Vị trí xây dựng vành đai 85.000 tỷ qua 36 quận huyện của 7 tỉnh liền kề Thủ đô
Vành đai này sẽ trải qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện, bắt đầu thực hiện đầu tư trước năm 2030.
Ngày 22/8, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 5927/VPCP-CN về việc đầu tư xây dựng Vành đai  5 Vùng Thủ đô Hà Nội. Dự án đường Vành đai 5 được quy hoạch đi qua Hà Nội và 7 tỉnh liền kề là: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình.
Theo quy hoạch, Vành đai 5 - Vùng Thủ đô có chiều dài khoảng 330km, quy mô 4-6 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường tối thiểu 22-33m và có đường gom hai bên. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 85.000 tỷ đồng, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Dự án Vành đai 5 được quy hoạch theo tiêu chuẩn đường cao tốc, quy mô 4-6 làn xe. Ảnh: UBND TP Hà Nội
Tuyến đường đi qua địa giới hành chính của 8 tỉnh, thành phố. Cụ thể, đoạn qua Vĩnh Phúc có chiều dài 51,5km, đoạn qua Thái Nguyên dài 28,9km, đoạn qua Bắc Giang dài 51,3km, đoạn qua Hải Dương dài 52,7km, đoạn qua Thái Bình dài 28,5km, đoạn qua Hà Nam dài 35,3km, đoạn qua Hòa Bình dài 35,4km và đoạn qua Hà Nội dài 48km.
Trong đó, đoạn đường Vành đai 5 đi qua Hà Nội bắt đầu từ vị trí cầu Vĩnh Thịnh, tuyến nhập vào đi trùng đường Hồ Chí Minh dài khoảng 21,5km, giao với cao tốc  Hòa Lạc – Hòa Bình tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, tuyến đi về phía Nam sang địa phận Hòa Bình, đến khu vực Chợ Bến rẽ theo hướng Đông vượt sông Đáy sang địa phận Hà Nam.
Kinh phí đầu tư dự án sẽ được chia thành các giai đoạn và tuỳ thuộc từng tỉnh. Ảnh internet
Tỉnh Bắc Giang dự kiến quy hoạch và chuẩn bị đầu tư tuyến đường gom Vành đai 5 trên địa bàn huyện Tân Yên từ nguồn vốn của địa phương để kết nối với đoạn tuyến do tỉnh Thái Nguyên xây dựng.
Đường Vành đai 5 qua Thái Nguyên có điểm đầu là ranh giới Bắc Giang - Thái Nguyên, điểm cuối là ranh giới Thái Nguyên - Vĩnh Phúc.
Giai đoạn 2021-2025, tuyến đường này là đường cấp II, 4 làn xe và đường đô thị 6 làn xe. Giai đoạn sau, khi có đủ nguồn lực đầu tư và yêu cầu về nhu cầu vận tải, thực hiện đầu tư hoàn thiện đường vành đai 5 có quy mô là đường cao tốc, 6 làn xe bằng phương án xây dựng đường cao tốc trên cao hoặc đường thông thường.
Đoạn qua địa phận Hòa Bình chưa được bố trí nguồn vốn để triển khai bằng ngân sách Nhà nước trong nhiệm kỳ này. Bởi vậy, để sớm triển khai xây dựng đường Vành đai 5  đoạn qua địa phận Hòa Bình theo quy hoạch, Bộ GTVT cho rằng, dự án cần được kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP hoặc ODA và Sở GTVT Hòa Bình sẽ làm đầu mối.
Sau khi có kết quả kêu gọi đầu tư của địa phương, dựa trên cơ sở đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Hòa Bình nghiên cứu, triển khai xây dựng dự án trong thời gian tới.
Đoạn qua tỉnh Hà Nam, Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vành đai 5 qua Hà Nam dài gần 36km, quy mô 6 làn xe cao tốc, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Hà Nam trong việc huy động nguồn vốn, nghiên cứu phương án đầu tư để sớm khép kín đường vành đai trên địa bàn tỉnh khi có điều kiện về nguồn lực.
Vành đai 5 sẽ trải qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện gồm:
Tỉnh Vĩnh Phúc: TP Vĩnh Yên, Phúc Yên, Tam Dương, Yên Lạc, Bình Xuyên và Vĩnh Tường.
Tỉnh Thái Nguyên: TP Thái Nguyên, Sông Công, Đại Từ, Phú Bình và Phổ Yên.
Tỉnh Bắc Giang: Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang và Tân Yên.
Tỉnh Hải Dương: TP Hải Dương, Chí Linh, Ninh Giang, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Nam Sách.
Tỉnh Thái Bình: Quỳnh Phụ và Hưng Hà.
Tỉnh Hà Nam: TP Phủ Lý, Duy Tiên, Bình Lục, Kim Bảng, Lý Nhân.
Tỉnh Hòa Bình: Huyện Lương Sơn
Hà Nội: Sơn Tây, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ứng Hòa.