Vĩ mô

Việt Nam bỏ lỡ nguồn thu tỷ đô vì thiếu bến du thuyền

Uyên Bùi 25/04/2025 - 12:00

Việt Nam mới chỉ vận hành thử nghiệm bến du thuyền chuẩn quốc tế đầu tiên trong bối cảnh Đông Nam Á đang là điểm đến xu hướng của nhóm du thuyền cá nhân, du lịch tàu biển.

“Trông người, ngẫm ta”

Theo Fortune Business Insight, thị trường du thuyền xa xỉ (Luxury Yacht) toàn cầu đạt 8,75 tỷ USD năm 2024 và dự kiến chạm 17,3 tỷ USD vào 2032. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực tăng trưởng nhanh nhất nhờ thu nhập cá nhân tăng và chính sách hỗ trợ ngành du lịch đường thủy.

Hiện nay, thay cho các khu vực truyền thống như Địa Trung Hải hay Caribbean, làn sóng các du thuyền cá nhân chuyển hướng về Thái Lan, Indonesia, Sri Lanka, Maldives. Theo Nikkei Asia, riêng ở Thái Lan, lưu lượng du thuyền cập bến du thuyền quốc tế tại Phuket, Koh Samui và Pattaya tăng trưởng 63% từ 2022 - 2024. Du lịch du thuyền được đánh giá mang lại doanh thu cao hơn 40% so với du lịch đường bộ hay hàng không.

Ana Marina 1 (2).jpg
Việt Nam không nằm trong danh sách các điểm đến hấp dẫn cho du thuyền cá nhân, theo thống kê trên Nikkei Asia

Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Les Rives - doanh nghiệp khai thác và vận hành tour du lịch đường sông cho khách quốc tế tại TP.HCM, nhận định: Thuyền bắt buộc phải có bến đón rước khách và neo đậu, TP.HCM đang thiếu nghiêm trọng bến đón khách tại khu vực trung tâm, cũng chưa có bến vận tải hành khách thủy nội địa xứng tầm là đầu tàu kinh tế bậc nhất cả nước. Theo bà Hạnh, đây là rào cản khiến nhiều nhà đầu tư hoặc người dân dù muốn cũng không sắm du thuyền.

Đồng quan điểm, ông An Sơn Lâm - Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương cũng cho rằng, hạ tầng bến bãi chưa đồng bộ, nhiều bến thủy tự phát thiếu an toàn, gây khó cho việc mở tuyến mới vì không thể xin phép cập bến ở các vị trí thuận lợi. Từ đó, gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch đường sông TP.HCM.

Ana Marina 2.jpg
Bến đậu tại ONEº15 Marina (Singapore) luôn hoạt động hết công suất dẫu chi phí thuê bãi khoảng 10.000 USD/ tháng. Ảnh: ONEº15 Marina

Theo nhận định của nhiều chuyên gia du lịch đường sông, thực trạng trên kéo giảm năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với Thái Lan, Malaysia hay Singapore, Indonesia - những quốc gia đầu tư sớm vào chuẩn quốc tế cho bến du thuyền. Việt Nam mới chỉ vận hành thử nghiệm bến du thuyền chuẩn quốc tế đầu tiên, còn lại hầu hết các hầu hết các bến đều đang ở dưới dạng bến thủy nội địa chưa tuân theo quy chuẩn quốc tế hiện hành, hoặc chưa có hệ thống tiện ích, dịch vụ hiện đại đính kèm.

Một số chuyên gia cho rằng, du thuyền cá nhân (yacht) - gồm cả thuyền buồm, động cơ hay siêu du thuyền vốn có những yêu cầu riêng về bến bãi, dịch vụ đi kèm riêng biệt, đang bị gom vào nhóm tàu vận chuyển khách du lịch và siêu tàu khách (passenger cruise ship).

“Trong bối cảnh ngày càng nhiều những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao và du khách hạng sang, việc khan hiếm các bến du thuyền được trang bị tốt, thiếu chính sách rõ ràng và các dịch vụ hỗ trợ đang làm hạn chế sự phát triển của du lịch Việt Nam”, TS. Daisy Kanagasapapathy - giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT Việt Nam nhận định.

Tìm kiếm động lực từ bài học của bến du thuyền quốc tế đầu tiên

Ngày 19/4/2023, bến du thuyền quốc tế Ana Marina do Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trọng Điểm (Focus Travel) đầu tư gần 400 tỷ đồng chính thức vận hành tại Nha Trang. Trên diện tích hơn 89 ha (gồm 68 ha mặt nước), Ana Marina có sức chứa 220 du thuyền, trong đó bao gồm các du thuyền 5 sao và thuyền buồm.

Ana Marina 3 (2).jpg
Toàn cảnh bến du thuyền quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Ana Marina

Công trình đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của Hiệp hội Quốc tế Công nghiệp Bến du thuyền, tích hợp khu phức hợp giải trí, nhà hàng, khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị. Song song, dịch vụ tiếp nhiên liệu, cung ứng thực phẩm, sửa chữa, bảo trì đạt chuẩn quốc tế, sánh ngang với Singapore, Thái Lan.

Không chỉ nâng tầm vị thế du lịch hạng sang của Nha Trang, Ana Marina còn tạo động lực kép: kết nối với các tuyến du thuyền quốc tế (Singapore, Hong Kong, Philippines…) và thúc đẩy hình thành cộng đồng thượng lưu gắn với du thuyền thông qua Ana Marina Yacht Club - mô hình phát triển theo chuẩn Monaco. Đồng thời, thúc đẩy địa phương tiên phong đăng cai các giải đấu thể thao dành cho đối tượng hạng sang, các cuộc đua thuyền buồm quốc tế.

Ana Marina 4.jpg
Một góc bến du thuyền Ana Marina

Sau thời gian vận hành thử nghiệm, Ana Marina đã đón trên 2.000 chuyến tàu nội địa và quốc tế, phục vụ hơn 60.000 lượt hành khách. Nơi đây cũng mở ra khả năng đăng cai các giải đua thuyền buồm, hội nghị MICE của các thương hiệu xa xỉ như Aston Martin, Rolls-Royce, Louis Vuitton - những tên tuổi đang tìm kiếm điểm dừng chân có không gian giao lưu và trình diễn đẳng cấp.

Ana Marina 5.jpg
Một giải đua thuyền buồm được tổ chức tại Ana Marina

Ông Đặng Hiếu Trung - Tổng giám đốc Focus Travel Group cho biết, Ana Marina là một trong những dự án trọng điểm của công ty. Đây không đơn thuần là một dự án hạ tầng mà là nền tảng để phát triển những sản phẩm du lịch cao cấp hơn nữa.

“Trong hơn 10 năm xây dựng và 2 năm vận hành, chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn bè quốc tế. Rất nhiều khách hàng từ Hồng Kông, Singapore, Thái Lan muốn đưa du thuyền đến Việt Nam để du lịch và trải nghiệm văn hóa. Việc Ana Marina nhận được mã cảng quốc tế sẽ mở ra rất nhiều cơ hội để thu hút du lịch và phát triển ngành du lịch siêu sang trọng - Ultra Luxury Tourism”, ông Đặng Hiếu Trung chia sẻ thêm.

>> Chưa từng có tại Việt Nam: Hơn 200 người siêu giàu thế giới đến Hạ Long kiến tạo 'vườn tỷ phú'

Diễn biến mới tại siêu dự án bến du thuyền Đà Nẵng của Quốc Cường Gia Lai (QCG)

Sắp có du thuyền quốc tế đầu tiên được thiết kế, thi công hoàn toàn bởi doanh nghiệp Việt Nam

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/viet-nam-bo-lo-nguon-thu-ty-do-vi-thieu-ben-du-thuyen-2394896.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Việt Nam bỏ lỡ nguồn thu tỷ đô vì thiếu bến du thuyền
    POWERED BY ONECMS & INTECH