Việt Nam chính thức có thêm Khu Di tích lịch sử quốc gia ở tỉnh có đường biên giới với Campuchia dài nhất
Sự kiện này ghi dấu 94 năm truyền thống xây dựng, trưởng thành và phát triển của ngành Tuyên giáo.
Ngày 24/7, tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh , Ban Tuyên giáo Trung ương, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Tỉnh ủy Tây Ninh, đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di tích lịch sử quốc gia  cho Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn 1962-1975).
Buổi lễ có sự hiện diện của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, cùng đại diện một số Ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, từ phía Campuchia có Thống tướng Kun Kim, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Bộ trưởng cấp cao cùng đại diện Hội Cựu chiến binh Campuchia.
Sau thắng lợi của phong trào Đồng Khởi, ngày 23/1/1961, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay thế Xứ ủy Nam bộ, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngày 23/11/1961, Hội nghị Trung ương Cục miền Nam họp tại Mã Đà – Chiến khu Đ (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) và quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng ban.
Năm 1962, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam chuyển trụ sở về Lò Gò - Xa Mát thuộc huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Ban đã tham mưu kịp thời về công tác chính trị tư tưởng trong các giai đoạn quan trọng của cách mạng như: chống chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh và cách mạng miền Nam sau Hiệp định Paris, góp phần vào thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ.
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị và gắn bó giữa Việt Nam và Campuchia, được xây dựng từ những năm tháng đấu tranh chung chống chế độ thực dân, đế quốc và chế độ diệt chủng Khơ me Đỏ. Việt Nam luôn duy trì quan điểm đối ngoại “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” với Campuchia.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng khẳng định tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của di tích. Ông kêu gọi cấp ủy, chính quyền tỉnh Tây Ninh và các cơ quan chức năng tăng cường giáo dục, tuyên truyền để nhân dân cùng bảo vệ, bảo tồn và tôn tạo di tích. Ông cũng đề nghị tỉnh Tây Ninh phối hợp với ngành Du lịch và các cơ quan truyền thông để kết nối di tích này với các di tích khác trong vùng, tạo ra các sản phẩm du lịch mới và nâng cao chất lượng hướng dẫn tham quan.
Trong dịp này, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Quyết định công nhận Di tích lịch sử quốc gia cho Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, ghi dấu 94 năm truyền thống xây dựng, trưởng thành và phát triển của ngành Tuyên giáo.
Theo tài liệu Biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia (2010) của Ủy ban Biên giới quốc gia, đường biên giới giữa hai nước trên đất liền dài 1.137 km, từ điểm cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia đến sát mép biển Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Đường biên giới này đi qua 10 tỉnh Kon Tum (95km), Gia Lai (90km), Đăk Lăk (73km), Đăk Nông (120km), Bình Phước (210km), Tây Ninh (220km), Long An (136km), Đồng Tháp (49km), An Giang (96km) và Kiên Giang (48km).