Việt Nam có ‘mỏ vàng xanh’ bạt ngàn thu về trăm triệu USD nhờ xuất khẩu, các nước thu mua hàng chục nghìn tấn
Tại Việt Nam, loại cây này chủ yếu được trồng ở các vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, Việt Nam đã xuất khẩu  15.334 tấn chè, thu về 27,4 triệu USD, tăng 46,4% về khối lượng và 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng chè xuất khẩu đạt 77.280 tấn, với giá trị 133,4 triệu USD, tăng 31,6% về khối lượng và 33,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá chè xuất khẩu trung bình đạt 1.726 USD/tấn, tăng 1,5%.
Trong 7 tháng đầu năm, Pakistan tiếp tục giữ vững vị thế là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam, với khối lượng đạt 22,3 nghìn tấn và giá trị lên tới 47 triệu USD. Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ hai, nhập khẩu 8.131 tấn chè từ Việt Nam, đạt giá trị gần 14 triệu USD với mức giá trung bình 1.712 USD/tấn. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, với 7.826 tấn chè, tương đương 11,3 triệu USD.
Tại Việt Nam, cây chè chủ yếu được trồng ở các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, chiếm khoảng 70% diện tích chè cả nước. Tiếp theo là vùng Tây Nguyên với khoảng 19%, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 7%, và khu vực Đồng bằng Bắc Bộ chiếm 4%. Một số địa phương có diện tích trồng chè lớn đáng kể gồm Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, và Lâm Đồng.
Theo số liệu từ Hiệp hội Chè Việt Nam, nước ta hiện đang giữ vị trí thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè và đứng thứ 7 toàn cầu về sản xuất chè. Các sản phẩm chè Việt Nam đã chinh phục thị trường quốc tế, có mặt tại 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc về sản lượng và xuất khẩu chè xanh, đứng ở vị trí thứ 2 thế giới.
Sản phẩm từ cây chè Việt Nam ngày càng phong phú, chất lượng được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước. Với hơn 170 giống chè, Việt Nam mang đến những hương vị đặc trưng được thế giới ưa chuộng, từ chè sao lăn, chè xanh, chè ô long, chè Hương cho đến các loại chè thảo dược.