Việt Nam có một ‘thế giới trong lòng đất’: Từng là pháo đài vững chãi, mất 20 tháng xây dựng chỉ bằng công cụ thô sơ
Công trình này là điểm đến không thể bỏ qua của người dân khi đến với vùng đất Quảng Trị.
Huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị , nằm ở phía Bắc sông Bến Hải, cầu Hiền Lương và vĩ tuyến 17. Khu vực này là nơi hứng chịu bom đạn khốc liệt nhất trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Do là khu vực bị đánh phá liên tục trong những năm tháng chiến tranh, Vĩnh Linh đã hình thành hệ thống hầm hào, địa đạo dày đặc, liên kết chặt chẽ với nhau. Một trong những địa đạo lớn và hoàn chỉnh nhất tại đây là địa đạo Vịnh Mốc.
Vịnh Mốc là địa đạo lớn của tỉnh Quảng Trị thời kháng chiến chống Mỹ. Nguồn: Internet |
Địa đạo Vịnh Mốc được ví như một “thế giới trong lòng đất” vì được thiết kế để phục vụ cuộc sống và bảo vệ người dân trước bom đạn. Dù nằm sâu dưới lòng đất, địa đạo có đầy đủ các công trình sinh hoạt: giếng nước, kho gạo, bếp Hoàng Cầm, trạm gác, phòng phẫu thuật, nhà hộ sinh, hội trường để họp mặt, biểu diễn văn nghệ và chiếu phim với sức chứa hơn 50 người. Dọc hai bên đường hầm, các ô nhỏ sâu 1,8m, rộng 0,8m được bố trí làm phòng sinh hoạt cho các hộ gia đình từ 3-4 người.
> > Tỉnh giàu nhất Việt Nam khởi công tuyến đường dài gần 2.700m nối hai thành phố 
Địa đạo nằm trong lòng một quả đồi đất đỏ bazan gần bờ biển, được thiết kế cao hơn mực nước biển và có độ nghiêng để thoát nước tốt, đảm bảo sinh hoạt bình thường ngay cả mùa mưa. Địa đạo có 13 cửa gồm 7 cửa hướng ra biển và 6 cửa lên đồi. Các cửa hầm hướng ra biển giúp tầng hầm luôn mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Một cửa của địa đạo. Nguồn: Internet |
Hệ thống địa đạo này như một pháo đài vững chắc với 3 tầng thông nhau. Trong đó, tầng 1 (sâu 12m) là nơi đặt trụ sở Đảng ủy, UBND và Bộ Chỉ huy quân sự; tầng 2 (sâu 15m) là nơi sinh sống của người dân; tầng 3 (sâu 23m) là kho chứa lương thực, vũ khí để tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ và phục vụ chiến đấu.
Mọi chi tiết trong địa đạo đều được bố trí khoa học; các đoạn lõm dọc đường hầm làm nơi tránh để thuận tiện cho việc di chuyển và vận chuyển lương thực, vũ khí. Gần các miệng hầm có đường trượt, giúp người dân nhanh chóng trượt xuống tầng sâu 23m để tránh loại bom khoan có thể xuyên sâu 20m trước khi phát nổ.
Nhà trẻ trong lòng địa đạo |
Địa đạo Vịnh Mốc là công trình kiên cố được xây dựng trong gần 20 tháng bởi đôi tay khéo léo của người dân, chỉ với các dụng cụ thô sơ tự tạo. Người dân dùng que vòng cung cố định lên mặt đất làm chuẩn, không có máy móc đo độ phẳng nên dùng nước trong chai để đo, dùng dây buộc đá làm dây dọi đo độ sâu. Khoảng 6.000m3 đất đá được đưa ra ngoài bằng cách kéo thủ công, 90% âm thầm đổ ra biển, phần còn lại đổ vào hố bom, gốc cây.
Trong hơn 2.000 ngày đêm thời kỳ kháng chiến, không ai bị thương khi sống trong lòng địa đạo và có 17 trẻ em được sinh ra tại đây. Ban ngày, người dân sống dưới lòng đất; ban đêm khi bom đạn ngừng, họ lên mặt đất để trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản.
Với những giá trị lịch sử to lớn, năm 1976, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã công nhận địa đạo Vịnh Mốc là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Từ năm 1979-1980, địa đạo bắt đầu đón khách du lịch và từ 1983 đến nay, nơi này chính thức mở cửa phục vụ du lịch.
Ảnh: Tổng hợp
Quảng Trị: 3 huyện sẽ có sự thay đổi lớn về sắp xếp đơn vị hành chính 
Khu cảng hơn 14.000 tỷ đồng tại Quảng Trị dự kiến khai thác 4 bến vào năm 2026