Xã hội

Việt Nam có thêm một lễ hội được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, là sự tổng hòa sắc màu tâm linh của 4 cộng đồng dân tộc

Manh Lan 05/12/2024 10:17

Lễ hội bao gồm các nghi thức tâm linh và diễn xướng nghệ thuật, biểu hiện niềm tin, sự biết ơn Mẹ Đất - Mẹ Xứ sở ở Châu Đốc, An Giang.

Vào lúc 9h47 ngày 4/12/2024 theo giờ địa phương tại Paraguay (tương ứng với 19h47 giờ Hà Nội), tại Kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ về Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Conmebol, thủ đô Asuncíon, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận và ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại. Đây là một trong 66 hồ sơ được đánh giá tại kỳ họp và là di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO vinh danh.

Theo Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại.

Việt Nam có thêm một lễ hội được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, là sự tổng hòa sắc màu tâm linh của 4 cộng đồng dân tộc - ảnh 1
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận và ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại. Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Di sản này không chỉ góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa mà còn đề cao bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ và tinh thần đoàn kết dân tộc. Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn di sản, bao gồm việc giáo dục thế hệ trẻ thông qua trường học, quảng bá trên các phương tiện truyền thông, và tổ chức các dự án nghiên cứu. Quá trình đề cử cũng ghi nhận sự tham gia tích cực của các cộng đồng, nghệ nhân và cam kết chung tay bảo vệ giá trị văn hóa độc đáo này.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ - Núi Sam, lễ hội lớn nhất tại Miếu Bà ( Châu Đốc, An Giang), diễn ra từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch hàng năm, với ngày chính hội là 25 tháng 4. Đây là thời điểm người dân địa phương, chủ yếu là nông dân, tổ chức lễ để tạ ơn và cầu mong sự phù hộ từ Mẹ Đất - Mẹ Xứ sở của cộng đồng các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa, cầu cho đất trời và thần linh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội còn thu hút sự tham gia của nhiều thành phần xã hội, những người mong nhận được sự ban phúc, tài lộc và sức khỏe.

Mở đầu lễ hội, đêm 23 là Lễ Tắm Bà, nghi thức quan trọng bậc nhất. Tượng Bà được lau sạch và thay áo mới trong không khí trang nghiêm, với sự tham gia của các vị bô lão và người dân. Sau nghi thức, nhiều người dân mong được chiêm bái “dung nhan mới” của Bà để cầu may mắn. Lễ tắm được kết hợp với các tiết mục múa bóng rỗi, tạo không khí vừa trang trọng vừa sôi động.

Việt Nam có thêm một lễ hội được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, là sự tổng hòa sắc màu tâm linh của 4 cộng đồng dân tộc - ảnh 2
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam diễn ra từ ngày 22 đến 27/4 (âm lịch) với nhiều nghi thức truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh/Báo Người Lao động

Ngày 25, nghi thức Lễ Thỉnh Sắc diễn ra, đưa các bài vị từ Lăng Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà. Đoàn rước bao gồm lân, trống, các ban tế lễ và một chiếc long đình sơn son thếp vàng, tạo nên một không khí trang nghiêm, đậm nét văn hóa truyền thống. Nghi thức chính tại Miếu Bà tiếp tục với Lễ Túc Yết vào rạng sáng ngày 26, bao gồm văn tế ca ngợi công đức của Bà và các vị thần, cùng với nghi lễ truyền thống như Xây Chầu, Đại Bội, và Hát Bội kéo dài suốt đêm.

Ngày cuối, 27 tháng 4 âm lịch, diễn ra Lễ Chánh Tế và Lễ Hồi Sắc, khép lại lễ hội với sự trang nghiêm, đưa các bài vị trở về vị trí ban đầu.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ không chỉ là nét đặc sắc trong văn hóa tín ngưỡng Nam Bộ mà còn thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa người Việt, Chăm, và các dân tộc khác. Qua những nghi thức độc đáo, lễ hội vừa giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống vừa là chỗ dựa tâm linh vững chắc cho cộng đồng, góp phần tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể của vùng đất Nam Bộ.

Năm 2001, lễ hội này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Đến ngày 19-12-2014, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống.

>> Việt Nam có khu rừng được tạo thành bởi hệ thống núi cao 2.500m, sở hữu hơn 4.000 cây di sản, tuổi đời lên đến 800 năm

Dấu ấn Phố Hiến qua những Di tích Quốc gia đặc biệt: Nơi là văn miếu lâu đời thứ hai tại Việt Nam, nơi có di sản được Guinness công nhận

Một món ăn mang tính biểu tượng của Thủ đô chính thức ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/viet-nam-co-them-mot-le-hoi-duoc-unesco-cong-nhan-la-di-san-the-gioi-la-su-tong-hoa-sac-mau-tam-linh-cua-4-cong-dong-dan-toc-131648.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Việt Nam có thêm một lễ hội được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, là sự tổng hòa sắc màu tâm linh của 4 cộng đồng dân tộc
    POWERED BY ONECMS & INTECH