Tính đến nửa đầu tháng 11/2021, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã trở thành nước xuất siêu sắt thép với giá trị xuất siêu đạt 240 triệu USD. Ngược lại với diễn biến kinh doanh, giá cổ phiếu thép trong nước liên tục lao dốc trong tháng áp chót năm 2021 trước việc giá thép sụt giảm mạnh.
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2021 (từ ngày 01/11 đến ngày 15/11/2021) đạt 29,59 tỷ USD - tăng 3% (tương ứng tăng 867 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 10/2021.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 11/2021 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/11/2021 đạt 569,03 tỷ USD - tăng 22,7% - tương ứng tăng 105,32 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2020 trong đó tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 284,45 tỷ USD - tăng 17,7% tương ứng tăng 42,85 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý nhất trong các nhóm hàng là sắt thép các loại đạt 10,27 tỷ USD - tăng 5,88 tỷ USD, tương ứng tăng mạnh 134% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, lần đầu tiên xuất khẩu sắt thép của Việt Nam đã vượt 10 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu sắt thép các loại tính đến 15/11/2021 đạt 10,03 tỷ USD - tăng 3,04 tỷ USD - tương ứng tăng 43,5%... so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã trở thành nước xuất siêu sắt thép với giá trị xuất siêu tính đến 15/11/2021 đạt 240 triệu USD.
Tập đoàn Hoà Phát cho biết tổng sản lượng bán hàng các loại thép dự ứng lực (PC Bar và PC Strand) của Công ty Chế tạo Kim loại Hòa Phát trong 10 tháng năm 2021 đạt gần 75.000 tấn trong đó riêng xuất khẩu đóng góp 27% với hơn 20.000 tấn, gấp đôi cùng kỳ. Ngoài Hoa Kỳ và Đài Loan, thép dự ứng lực của Hòa Phát đã xuất khẩu sang một số thị trường mới như Canada, Singapore, Malaysia, Campuchia, Srilanka, Myanmar…
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), chính sách môi trường, điều chỉnh hoàn thuế xuất khẩu của Chính phủ Trung Quốc và biến động giá quặng, than Coke và phế vừa qua đã ảnh hưởng đến thị trường thép Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Xuất khẩu thép xây dựng 10 tháng 2021 tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Theo dự báo của VSA cuối quý III, tình hình bán hàng thép xây dựng trong quý IV dự kiến sẽ có nhiều triển vọng hơn. Xét thị trường tiêu thụ thép dài tại Việt Nam thì nhu cầu thực sự lớn cho công trình dân dụng và hạ tầng cơ sở, đặc biệt đầu tư công rất lớn. Vừa khi Nhà Nước kiểm soát tốt dịch COVID-19 và cho phép mở giãn cách các vùng miền, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, ngành hàng tái hoạt động bình thường lại. Các yếu tố trên khiến ngành xây dựng hoạt động tốt từ đầu tháng 10/2021, nhu cầu thép tăng trở lại, các nhà máy đều tăng lượng hàng cung cấp cho thị trường.
Ở chiều ngược lại, giá cổ phiếu thép giảm rất mạnh trong tháng 11, nguyên nhân là do giá quặng sắt và HRC trên thị trường thế giới giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư quay lưng với cổ phiếu thép. Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát giảm 17% từ 58.000 đồng/cp xuống thấp nhất 48.000 đồng/cp (giảm hơn 17%), cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen giảm từ 51.300 đồng/cp xuống 37.500 đồng/cp (giảm 27%), cổ phiếu NKG giảm từ 55.900 đồng/cp về thấp nhất 41.000 đồng/cp (-26,7%)...
Thực tế theo số liệu của Hiệp hội Thép (VSA), giá bán thép xây dựng trong nước trong 3 tháng 9, 10 và 11 có giảm so với đỉnh tháng 6 tuy nhiên vẫn ở mức cao 16.200 - 16.500 đồng/kg. Hiện giá quặng sắt thế giới có xu hướng hồi phục nhẹ từ đáy, kỳ vọng giá cổ phiếu thép sẽ hồi trở lại sau khi giảm 20% từ đỉnh.
Một yếu tố tích cực là ở mảng thép xây dựng, sản lượng tiêu thụ đã phục hồi khi cả sản lượng xuất khẩu và nội địa đều tăng trưởng cao. Sản lượng bán hàng tháng 10 đạt khoảng 1,2 triệu tấn, tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng tiêu thụ nội địa tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái lên 928.700 tấn trong tháng 10, cao hơn đáng kể so với mức 636.000 tấn trong tháng 9.
Cổ phiếu còn ít dư địa tăng giá
Sau phiên tăng mạnh cuối tuần trước, giới chuyên gia đã đồng loạt đưa ra những nhận định về xu hướng của cổ phiếu này trong thời gian tới.
Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư - CTCK VPS, nhóm thép đã trải qua giai đoạn điều chỉnh và tích lũy tạo đáy. Nhóm cổ phiếu thép cho dù có kết quả kinh doanh quý III và triển vọng quý IV tốt nhưng phần nào thông tin cơ bản đã phản ánh vào giá nên dư địa tăng cho nhóm cổ phiếu này không còn nhiều.
Có lẽ nhóm cổ phiếu thép cần thêm 1 nhịp điều chỉnh nhỏ nữa trước khi tạo đáy thật sự. Nếu có 1 lời khuyên đối với các nhà đầu tư hiện tại đó là cũng chưa nên vội mua, bắt đáy sớm. Đợi nhóm cổ phiếu thép tạo đáy rõ nét hơn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư - CTCK Maybank KimEng Việt Nam thì cho rằng, nhóm này vốn đã giảm quá nhiều nên việc tăng lại một vài phiên là điều bình thường, chỉ mang tính điều chỉnh chứ chưa thể thay đổi xu hướng tiêu cực của nhóm này nhanh như vậy. Do nhóm này là nhóm bứt phá, dẫn dắt và cũng có mức tăng hàng đầu thị trường suốt 2 năm qua nên dòng tiền cũng có xu hướng tìm kiếm những nhóm tiềm năng hơn.
Trong khi đó, ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường - CTCK MBS đánh giá, sau thời gian giảm kể từ giữa tháng 10 cho tới nay với mức giảm bình quân khoảng 20%, nhóm cổ phiếu thép đang trong quá trình tạo đáy hoặc đã tìm được điểm cân bằng. Tuy nhiên, tín hiệu về việc xu hướng giảm của nhóm cổ phiếu này đã chấm dứt hay chưa vẫn chưa được xác nhận khi thanh khoản ở các phiên phục hồi trong tuần vừa qua vẫn ở mức thấp hơn so với bình quân 10 phiên trước đó.
Do vậy, cần quan sát thêm diễn biến của nhóm cổ phiếu này trong thời gian tới, để xem liệu nhóm này vẫn đang trong quá trình tạo đáy hay đây chỉ là nhịp nghỉ trước khi có xu hướng rõ ràng hơn.
Thị trường vật liệu xây dựng phục hồi chậm 
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á áp thuế bán phá giá đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc