Tài chính Ngân hàng

Việt Nam muốn hóa rồng – Bơm vốn đúng chỗ, chọn đúng doanh nghiệp

Lâm Anh 24/02/2025 - 19:42

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Trần Thùy Linh để có những góc nhìn phân tích sâu hơn về cơ hội, thách thức mà Việt Nam cần theo đuổi trong giai đoạn quan trọng này.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, Việt Nam đang được ví như con rồng mới nổi của khu vực châu Á. Hiện tại, chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của bước nhảy vọt kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng GDP 8-10% trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước không chỉ toàn màu hồng – vẫn còn nhiều thách thức đặt ra: Làm sao để duy trì đà tăng trưởng bền vững? Việt Nam nên học hỏi mô hình phát triển nào từ các cường quốc kinh tế như Hàn Quốc và Trung Quốc? Và quan trọng hơn, hệ thống tài chính – ngân hàng sẽ đóng vai trò gì trong việc dẫn dắt nền kinh tế vươn xa?

Để làm rõ những vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thùy Linh - Trưởng phòng kinh doanh CTCP Chứng khoán VPS để có những góc nhìn phân tích sâu hơn về cơ hội, thách thức mà Việt Nam cần theo đuổi trong giai đoạn quan trọng này.

red-and-white-modern-fitness-youtube-banner.jpg
Bà Trần Thùy Linh - Trưởng phòng kinh doanh CTCP Chứng khoán VPS

Phóng viên: Thời gian gần đây, Việt Nam được nhắc đến như một "con rồng mới nổi" của châu Á nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Theo bà, chúng ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức nào? Doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển kinh tế Việt Nam?

Bà Trần Thùy Linh: Đây là thời điểm bản lề cho nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8-10% trong thời gian tới – một con số tham vọng nhưng không phải bất khả thi. Lợi thế của Việt Nam là dòng vốn FDI đang đổ vào mạnh mẽ, cùng với vị thế ngày càng vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, con đường phía trước không hề bằng phẳng. Cạnh tranh khu vực ngày càng khốc liệt, bài toán thoát bẫy thu nhập trung bình vẫn còn bỏ ngỏ, và quan trọng hơn cả là làm sao để tăng trưởng nhanh nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững. Nếu không có những bước đi chiến lược và táo bạo, Việt Nam có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng này.

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, đến cuối năm 2024, Việt Nam có 667 doanh nghiệp nhà nước, trong đó 117 doanh nghiệp đã được phê duyệt đề án tái cấu trúc, tương đương 17% tổng số doanh nghiệp nhà nước. Điều này cho thấy chính phủ đang tích cực thúc đẩy cải cách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế này.

Về quy mô tài sản, tổng giá trị tài sản của 813 doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 4 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm 2023. Vốn chủ sở hữu đạt 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 4%, phản ánh sự cải thiện trong quản lý tài chính và tối ưu hóa nguồn lực.

Việt Nam muốn hóa rồng – Bơm vốn đúng chỗ, chọn đúng doanh nghiệp

Nhưng điểm sáng lớn nhất nằm ở doanh thu và lợi nhuận. 19 tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quản lý đã ghi nhận doanh thu hơn 2 triệu tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch và tăng 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 111.692 tỷ đồng, bằng 158% kế hoạch, tăng mạnh 56% so với năm trước. Theo đó, đã đóng góp vào ngân sách nhà nước lên tới 206.206 tỷ đồng, bằng 153% kế hoạch và tăng 5%.

Từ trước đến nay, doanh nghiệp nhà vẫn bị coi là nhóm được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, tài nguyên dồi dào,… tuy nhiên vẫn chưa bứt phá mạnh mẽ bởi những cơ chế còn chặt chẽ. Song, những con số bên trên không chỉ là sự hồi phục mà còn thể hiện tiềm năng bứt phá của khu vực doanh nghiệp nhà nước khi được vận hành hợp lý và có chiến lược phát triển rõ ràng.

Phóng viên: Vậy, bà nghĩ rằng việc phát triển các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có tương tự như các quốc gia phát triển trong khu vực?

Bà Trần Thùy Linh: Nhìn ra thế giới, mô hình phát triển các tập đoàn lớn của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Hàn Quốc và Trung Quốc, nhưng vẫn có khoảng cách cần rút ngắn.

Hàn Quốc đã từng tập trung nguồn lực vào các chaebol (tập đoàn kinh tế gia đình) như Samsung, Hyundai, SK Group, giúp họ vươn lên thành các tập đoàn đa ngành tầm cỡ toàn cầu. Samsung hiện có doanh thu hơn 240 tỷ USD/năm, gần bằng ½ GDP Việt Nam năm 2023.

Trung Quốc, ngược lại phát triển theo mô hình tập đoàn quốc doanh "siêu lớn" như Sinopec, China Mobile, State Grid, trong đó riêng Sinopec có doanh thu hàng năm khoảng 400 tỷ USD, gần bằng GDP của cả nền kinh tế Việt Nam năm 2024.

Vậy bài toán đặt ra là: Việt Nam có nên tạo ra các "siêu tập đoàn quốc doanh" theo mô hình Trung Quốc, hay khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân, giảm sự phụ thuộc vào Nhà nước như Hàn Quốc?

Nếu doanh nghiệp nhà nước được xem là xương sống của nền kinh tế, thì các tập đoàn tư nhân lớn chính là cơ bắp mạnh mẽ, thúc đẩy Việt Nam tiến nhanh trên con đường hóa rồng. Những cái tên như Thaco, Hòa Phát, Vietjet, Masan, Vingroup, và FPT không chỉ khẳng định vị thế trong nước mà còn đang vươn tầm quốc tế.

Thực tế, Việt Nam đang chọn một lối đi riêng – vừa thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào nền kinh tế. Tuy nhiên, so với khối tư nhân, nếu không có một chiến lược táo bạo hơn, doanh nghiệp nhà nước có thể sẽ mãi chỉ là "anh cả cồng kềnh" thay vì trở thành những "chiến binh kinh tế" thực thụ.

Việt Nam muốn hóa rồng – Bơm vốn đúng chỗ, chọn đúng doanh nghiệp

Phóng viên: Để đạt được bước nhảy vọt này, dòng vốn đóng vai trò rất quan trọng. Liệu ngân hàng sẽ đóng vai trò gì để thực hiện bước nhảy vọt của các "siêu doanh nghiệp"?

Bà Trần Thùy Linh: Những "con rồng" khối doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước muốn bay cao, cần một hệ thống tài chính đủ mạnh để hỗ trợ. Tiền không tự nhiên chảy vào nền kinh tế, mà cần có các ngân hàng lớn làm cầu nối.

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, tạo tiền đề cho mức tăng hai chữ số trong những năm tới. Để hiện thực hóa tham vọng này, hệ thống ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn cho cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, cũng như hỗ trợ các dự án đầu tư công trọng điểm.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16% trong năm 2025, cao hơn so với mức 15,08% của năm 2024. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 2,5 triệu tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng, tăng đáng kể so với con số hơn 2,1 triệu tỷ đồng của năm trước.

Theo số liệu mới nhất, đến ngày 3/2/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đã đạt 15,65 triệu tỷ đồng, tăng 0,19% so với năm 2024 – một dấu hiệu khởi sắc so với cùng kỳ năm ngoái.

Các ngân hàng lớn tại Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc dẫn vốn, hỗ trợ cả doanh nghiệp nhà nước và siêu doanh nghiệp tư nhân. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước chưa hồi phục hoàn toàn, đi cùng với nhiều bất ổn về vĩ mô thế giới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn. Dưới áp lực đó, nhóm doanh nghiệp nhà nước và các siêu tập đoàn tư nhân sẽ là đầu tàu dẫn dắt chính, giúp vực dậy toàn nền kinh tế.

Các ngân hàng thương mại quốc doanh như Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank có mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp nhà nước , cung cấp các gói tín dụng ưu đãi để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia. Việc này giúp doanh nghiệp nhà nước nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội được giao.

Ngân hàng lớn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn cho các doanh nghiệp tư nhân, song chủ yếu tiếp cận đến các tập đoàn lớn. Theo Ngân hàng Nhà nước, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện tại vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn do thiếu minh bạch tài chính và tài sản đảm bảo.

Năm 2025 là một năm then chốt trong thập kỷ vươn mình. Dòng vốn tín dụng sẽ tiếp tục đóng vai trò quyết định trong tăng trưởng kinh tế, với hệ thống ngân hàng làm "cầu nối" quan trọng giữa vốn đầu tư và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn sẽ là động lực quyết định đưa đất nước hoá rồng.

>> PGS.TS Nguyễn Hữu Huân: Chính sách tiền tệ luôn là bài toán đánh đổi giữa các mục tiêu kinh tế vĩ mô

VinFast sắp được 'bơm vốn' từ một nhóm nhà đầu tư Trung Đông

Trung Quốc bơm vốn trực tiếp vào các ngân hàng lớn lần đầu tiên kể từ khủng hoảng 2008

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/viet-nam-muon-hoa-rong-bom-von-dung-cho-chon-dung-doanh-nghiep-278217.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Việt Nam muốn hóa rồng – Bơm vốn đúng chỗ, chọn đúng doanh nghiệp
    POWERED BY ONECMS & INTECH