Việt Nam sẽ có lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất lớn
Lò phản ứng hạt nhân được thiết kế để sản xuất các đồng vị phóng xạ sử dụng trong y tế, công nghiệp và chiếu xạ silic tạo vật liệu bán dẫn sản xuất chip.
Theo thông tin trên Báo Chính Phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang hợp tác chặt chẽ với đối tác Nga để triển khai dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) hạt nhân  tại Đồng Nai.
Dự án này bao gồm một lò phản ứng hạt nhân có công suất 10MW với mục tiêu chính là sản xuất các đồng vị phóng xạ phục vụ cho y tế và công nghiệp. Bên cạnh đó, lò phản ứng còn được sử dụng để chiếu xạ silic bằng neutron, nhằm sản xuất các chất bán dẫn chất lượng cao. Được biết, đây là thông tin được đưa ra tại họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ KH&CN tổ chức chiều 4/7, tại Hà Nội.
Thông tin trên Báo Chính Phủ cho biết thêm, trước đó, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19-20/6 của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) A.E. Likhachev và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã ký kết bản ghi nhớ về kế hoạch xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Dự án này nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Trả lời báo chí về dự án, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (thuộc Bộ KH&CN), cho biết dự án nhận được sự quan tâm lớn từ cả hai phía Việt Nam và Nga. Dự án đã được đưa vào danh mục ưu tiên trong hợp tác giữa hai Chính phủ.
Hiện tại, Bộ KH&CN và Rosatom đang phối hợp chặt chẽ để lập báo cáo nghiên cứu khả thi và chuẩn bị hồ sơ địa điểm cho dự án.
Cấu phần chính của dự án bao gồm lò phản ứng hạt nhân với công suất 10 MW. Mục tiêu của lò phản ứng này là sản xuất các đồng vị phóng xạ phục vụ cho y tế và công nghiệp, chiếu xạ pha tạp silic bằng neutron để sản xuất chất bán dẫn, và thực hiện các nghiên cứu trong các lĩnh vực chuyển hóa vật liệu, khoa học vật liệu, cũng như các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về vật lý hạt nhân. Dự án còn chú trọng đến việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, nhằm đảm bảo có đội ngũ chuyên gia và kỹ thuật viên có trình độ cao phục vụ cho sự phát triển bền vững của ngành.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai một dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu có công suất lớn. Do đó, để hỗ trợ công tác thẩm tra, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo phân tích an toàn và hồ sơ thiết kế, Bộ KH&CN đã đề nghị Rosatom tạo điều kiện để một số cán bộ Việt Nam có thể tham gia vào quá trình thiết kế cơ sở của lò phản ứng và thực hiện các tính toán, phân tích an toàn liên quan. Ngoài ra, Rosatom cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo cán bộ vận hành lò phản ứng  nghiên cứu, nhằm đảm bảo dự án được triển khai an toàn và hiệu quả.