Việt Nam sở hữu tháp cổ bằng gạch cao nhất Đông Nam Á, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt
Đây cũng là một trong những tháp Chăm đẹp nhất Việt Nam hiện nay.
Tháp Dương Long, viên ngọc kiến trúc ẩn mình giữa miền đất Tây Sơn, Bình Định, là kiệt tác của văn hóa Champa cổ xưa và là ngôi tháp  gạch cao nhất Đông Nam Á hiện nay.
Tháp Dương Long, viên ngọc kiến trúc ẩn mình giữa miền đất Tây Sơn (Ảnh: Internet)
Nằm tại xã Tây Bình, cụm tháp này từng được người Pháp gọi là "Tour d'Ivoire" (tháp Ngà) và người dân địa phương trước đây biết đến với tên gọi tháp Bình An hay An Chánh. Tuy nhiên, cái tên Dương Long đã trở thành tên chính thức và phổ biến cho cụm tháp này.
Theo thông tin trên Báo Dân Trí, cụm tháp Dương Long gồm ba tháp chính: tháp Giữa cao gần 39m, tháp Nam (bên trái) cao khoảng 33m và tháp Bắc cao gần 32m. Thân tháp được xây dựng chủ yếu bằng gạch, các góc ghép từ những tảng đá lớn. Theo hồ sơ công nhận di tích quốc gia đặc biệt, tháp giữa được xem là ngôi tháp gạch cao nhất khu vực Đông Nam Á .
Cụm tháp Dương Long gồm ba tháp chính (Ảnh: Internet)
Kiến trúc tháp Dương Long chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật Khmer, thể hiện qua việc sử dụng các tảng đá lớn chạm khắc hoa văn tinh xảo ở chân tháp, diềm mái và cửa ra vào. Các nhà nghiên cứu cho rằng cụm tháp này được xây dựng vào khoảng thế kỷ XII–XIII, minh chứng cho kỹ thuật điêu khắc của người Champa đạt đến trình độ điêu luyện, hòa trộn hài hòa giữa nét mộc mạc, hình khối đơn giản của điêu khắc Champa và sự tinh tế trong kỹ thuật Khmer.
Ngoài ra, tháp Dương Long còn đặc biệt ở cách bố trí theo trục Bắc – Nam, với mặt chính hướng về phía Đông, nơi mặt trời mọc – theo tín ngưỡng Champa, đây là nơi các vị thần ngự trị. Thường các cụm tháp Champa có ba tháp song song nhằm thờ ba vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo: tháp Bắc thờ thần Brahma, tháp Giữa thờ thần Shiva, và tháp Nam thờ thần Vishnu.
Kiến trúc tháp Dương Long chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật Khmer (Ảnh: Internet)
Không chỉ có ba tháp chính, khuôn viên di tích còn chứa hai kiến trúc gạch nhỏ nằm về phía Tây, được phát hiện qua các cuộc khai quật khảo cổ, góp phần tạo nên một quần thể kiến trúc hoành tráng, phản ánh quy mô và sự phong phú của kiến trúc phụ quanh tháp chính.
Với kiến trúc độc đáo và giá trị nghệ thuật vượt thời gian, tháp Dương Long là biểu tượng của tôn giáo và nghệ thuật Champa, tiêu biểu cho giai đoạn Vijaya, giữ vị trí quan trọng trong lịch sử và văn hóa Champa.
Tháp Dương Long sở hữu nét kiến trúc độc đáo (Ảnh: Internet)
Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định, Tháp Dương Long được đánh giá là một trong những tháp Chăm đẹp nhất Việt Nam. Tháp Dương Long được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích Kiến trúc Nghệ thuật năm 1980 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt  ngày 23/12/2015.