Viettel sắp xây dựng trung tâm dữ liệu 6.000 tỷ đồng ở TP. HCM
Đại diện Viettel cho biết trong năm tới sẽ đầu tư một trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam đặt tại Huyện Củ Chi của TP. HCM.
Ngày 25/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự lễ khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại Khu công nghệ cao ở TP Thủ Đức, TP. HCM.
Trung tâm C4IR tại TP. HCM là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Đây là trung tâm C4IR thứ 2 tại Đông Nam Á, sau Malaysia, và thứ 19 trên thế giới.
Trung tâm có 10 thành viên sáng lập, trong đó có Đại học Quốc gia TP. HCM, Khu Công nghệ cao TP. HCM, Đại học Công nghệ Sài Gòn, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Sovico, Tập đoàn CMC, Công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn, các Ngân hàng Techcombank, HDBank.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TP. HCM |
Theo lãnh đạo Tập đoàn Viettel, sự kiện này đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của TP. HCM trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó, Viettel cũng cho biết, sang năm, Tập đoàn sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu lớn ở Củ Chi, TP. HCM với ước tính quy mô đầu tư là 6.000 tỷ đồng.
Đồng thời, doanh nghiệp kiến nghị ưu tiên đầu tư phát triển các nền tảng công nghệ do Việt Nam sản xuất, giảm phụ thuộc công nghệ ngoại nhập, tăng tính tự chủ, đổi mới sáng tạo; khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ lớn thế giới vào Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước học hỏi.
Tập đoàn Viettel sẽ đồng hành thúc đẩy chuyển đổi số của 2 huyện Hóc Môn, Củ Chi trên các phương diện hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Về hạ tầng số, đến năm 2025, Viettel sẽ đầu tư hạ tầng 4G, 5G để phủ sóng dịch vụ băng rộng cho 100% dân số và hạ tầng cáp quang đến 100% hộ gia đình.
Mặt khác, trung tâm dữ liệu này hứa hẹn là điểm trung chuyển dữ liệu thu hút các doanh nghiệp nước ngoài về Việt Nam như Microsoft, Google và Amazon ..., điểm kết nối băng thông rộng từ TP. HCM đi đến các điểm trên thế giới.
Đồng thời, trung tâm này cũng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, cung cấp các dịch vụ, sản phẩm dựa trên các xu hướng công nghệ mới như: Điện toán đám mây (Cloud computing); Công nghệ chuỗi khối (Blockchain); Công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big data analytics); Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence); Thực tế ảo (Virtual Reality), Thực tế tăng cường (Augmented Reality), Thực tế trộn (Mixed Reality), các công nghệ phục vụ Metaverse và các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ phù hợp với Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
>> Mở đường cho 'đại bàng' đến xây trung tâm dữ liệu, Việt Nam sẽ sớm thu về hàng tỷ USD/năm