Quốc tế

VinFast và chiến lược bắt tay với các đại lý ô tô Mỹ

Lan Nhi 18/08/2023 - 22:01

Các chủ sở hữu đại lý ô tô tại Mỹ cho biết họ vừa thận trọng vừa hứng thú với chiến lược bán hàng của VinFast.

Theo tờ Reuters, một số đại lý tại Mỹ được liên hệ phỏng vấn cho biết họ đang quan tâm tới chiến lược bán hàng, yêu cầu đối với đại lý, kế hoạch phân phối phụ tùng của công ty và bảo hành xe của VinFast.

VinFast và chiến lược bắt tay với các đại lý ô tô Mỹ

VFS lên sàn chứng khoán thu hút sự quan tâm của các đại lý

Ngày 15/8, VinFast niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Mỹ với mã chứng khoán VFS đã khuấy động sự quan tâm của các đại lý phân phối tại thị trường này.

Cổ phiếu VFS kết phiên chào sân tăng đến 68,45%, vượt mức 37 USD/cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa của VinFast vượt 85 tỷ đô, cao hơn vốn hóa thị trường của hai hãng xe lớn là Ford (48 tỷ đô) và General Motors (46 tỷ đô) hay nhiều hãng xe truyền thống khác như Stellantis, BMW, Volkswagen, Tập đoàn Mercedes-Benz,...Sau phiên đầu tiên hưng phấn, cổ phiếu của VinFast đã giảm và giảm 33,6% xuống còn 20 USD/1 cổ phiếu.

Khi VinFast tham gia vào thị trường xe điện tại Mỹ, hãng phải đối mặt với những bài kiểm tra khó khăn. Kế hoạch bán hàng hybrid mới chỉ là một trong những thách thức đầu tiên và nhà sản xuất ô tô này cho biết đã đàm phán với các đại lý tại đây.

Được biết, VinFast đã vận chuyển gần 3.000 xe đến Bắc Mỹ kể từ cuối năm ngoái. Ngày 15/8, hãng cho biết đang thay đổi mô hình phân phối, bán hàng thông qua các đại lý.

“Mở cửa hàng của riêng chúng tôi là điều tuyệt vời nhưng mất rất nhiều thời gian,” CEO Lê Thị Thu Thủy chia sẻ với tờ Reuters. "Hợp lực với các đối tác khác để đi nhanh hơn luôn là bản chất của chúng tôi”, bà Thủy nói thêm.

VinFast và chiến lược bắt tay với các đại lý ô tô Mỹ
CEO Lê Thị Thu Thủy

Theo thông tin được đưa ra, tính đến tháng 6, VinFast đã mở khoảng 122 phòng trưng bày trên toàn cầu, hầu hết ở miền Tây nước Mỹ. Đại diện VinFast cho hay ngoài việc bán hàng trực tiếp cho khách hàng, nhà sản xuất ô tô sẽ hợp tác với các đại lý để mở các điểm bán hàng mới ở Bắc Mỹ và các thị trường toàn cầu khác.

"Chúng tôi hiện đang xác định các điều khoản của mô hình mới này và thảo luận với các đối tác tiềm năng. Thông tin chi tiết sẽ được công bố trong thời gian tới", bà Thủy nhắc tới trong một tuyên bố.

Để cạnh tranh trong thị trường Mỹ, VinFast đang xây dựng nhà máy ở Bắc Carolina. Nhà máy sản xuất ô tô được cho là rộng tương đương hơn 7 triệu m2, thiết kế riêng biệt để đạt hiệu quả sản xuất lên tới 150.000 xe mỗi năm trong giai đoạn đầu. Điều này hiện đang được nhiều đại lý đánh giá cao

Các đại lý cũng cho biết việc thiếu tên tuổi không phải là yếu tố cản trở giao dịch vì Toyota, Honda và Hyundai đều bắt đầu với quy mô nhỏ và phát triển thành công.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, tờ Reuters cho biết họ đang có quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời, bao gồm cả việc VinFast sẽ phân phối các bộ phận cần thiết để sửa chữa như thế nào.

Chiến lược tiềm năng đi kèm với những rủi ro

Theo nhận định của các đại lý, trong khi Tesla dẫn đầu thị trường EV thì hầu hết các thương hiệu khác cần vật lộn để khởi đầu. Trên hết, VinFast buộc phải cạnh tranh với các thương hiệu lâu đời có xe điện của riêng họ, bao gồm General Motors, Ford và Hyundai.

Theo Andrew DiFeo, trưởng đại lý tại Hyundai ở St. Augustine, phía nam Jacksonville, thành phố Florida, cho hay: "Điều đầu tiên cần phải xem xét là liệu hãng có còn tồn tại trong vòng 5 năm nữa không? Đó là một mối quan tâm lớn với chủ sở hữu đại lý”.

Một số đại lý chia sẻ, VinFast có thể cần phải cung cấp mức lợi nhuận hấp dẫn cho các đại lý để giải quyết rủi ro gia tăng. Ngoài ra, nhà sản xuất ô tô có thể cần cung cấp bảo hành hàng đầu trong ngành cho các phương tiện của mình để đảm bảo ưu đãi với người mua.

Cựu giám đốc điều hành của hãng General Motors, Warren Browne đánh giá về kế hoạch sử dụng các đại lý: "Đó là một chiến lược nhiều rủi ro khi có quá nhiều giá trị được đưa đáp ứng việc phục vụ các đại lý”.

Ông Rhett Ricart, Giám đốc điều hành của Tập đoàn ô tô Ricart ở Columbus, bang Ohio, khẳng định việc các chủ sở hữu đại lý sẽ đặt cược bất chấp để có được giá bán lịch sử.

“Nếu đó là một sản phẩm tốt và được bảo hành tốt, người Mỹ sẽ mua nó,” Ricart nói.

Beau Boeckmann, chủ tịch của Galpin Motors, công ty bán 12 thương hiệu ở khu vực Los Angeles, cho biết: “Cuối cùng, các đại lý luôn tìm kiếm những cơ hội độc nhất”. Ông nói: “Các đại lý là những người kinh doanh và họ là những người chấp nhận rủi ro”.

Tuy nhiên, trong phỏng vấn mới đây, nữ CEO VinFast khẳng định hãng luôn nỗ lực duy trì tính cạnh tranh trong mọi thị trường, song song với việc nâng cao sản lượng. Tính đến thời điểm hiện tại, vị CEO cho biết hãng vẫn sẽ trung thành với chiến lược của mình.

Chia sẻ về vấn đề liệu VinFast có chịu được sức ép về việc giảm giá nói chung hay không, bà cho hay chiến lược nòng cốt của công ty chính là “cung cấp các sản phẩm chất lượng cao với giá cả phải chăng và dịch vụ hậu mãi tuyệt vời”.

“Chúng tôi luôn định giá sản phẩm khá cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại khác. Tuy nhiên, nếu tập trung nhìn sâu hơn vào các sản phẩm của chúng tôi, sẽ dễ dàng nhận ra nhiều tính năng và công nghệ vượt trội hơn hẳn so với các đối thủ. Phải chăng vì vậy, bên cạnh mức giá, khách hàng bắt đầu chú ý hơn đến những giá trị mà chúng tôi mang lại với các sản phẩm của mình”, nữ CEO chia sẻ.

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vinfast-va-chien-luoc-bat-tay-voi-cac-dai-ly-o-to-my-197166.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    VinFast và chiến lược bắt tay với các đại lý ô tô Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH