VNDirect (VND) và chuỗi vận hạn: Cổ phiếu lao dốc, thị phần bị đối thủ lấn át, đầu tư lận đận
Cổ phiếu VND liên tục sụt giảm trong bối cảnh Tập đoàn Trung Nam công bố tình hình tài chính không mấy khả quan. Đồng thời, 3 mảng kinh doanh cốt lõi của VNDirect đều tăng trưởng âm.
Kết phiên sáng ngày 5/12, cổ phiếu VND  của Chứng khoán VNDirect giảm 2,64% về 12.900 đồng/cp. Thanh khoản đạt 16,9 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường, gấp 2 lần phiên liền trước, giá trị tương ứng 217 tỷ đồng. Trong phiên, từng có thời điểm VND giảm hơn 5% về 12.500 đồng/cp.
Trước đó, VND cũng bị bán mạnh trong phiên ngày 4/12 với mức giảm 3,64%, thanh khoản 20,5 triệu đơn vị, gấp gần 3 lần trung bình 20 phiên gần nhất.
Tính từ ngày 1/1, VND đã sụt giảm hơn 31% thị giá trong khi VN-Index tăng 10,17%. Vốn hóa công ty chứng khoán đầu ngành hiện còn 19.638 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu VND và VN-Index trong năm 2024 |
VNDirect lận đận với Trung Nam
Nhà đầu tư "tháo chạy" khỏi cổ phiếu VND trong hai phiên gần đây, ngay sau khi Tập đoàn Trung Nam công bố thông tin tài chính năm 2023 với khoản lỗ lớn và nợ phải trả tăng cao.
Cụ thể, năm 2023, Trung Nam ghi nhận lỗ hợp nhất sau thuế 2.878 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi 252 tỷ đồng và năm 2021 lãi 1.635 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2023, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên 2,68 lần, tương ứng với khoản nợ khoảng 65.097 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu chiếm khoảng 18.218 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Trung Nam còn liên quan đến vụ án ông Hoàng Quốc Vượng, cựu Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, bị Bộ Công an đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Được biết, ông Vượng đã cố ý xin cơ chế giá cho Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, một dự án thuộc Tập đoàn Trung Nam.
>> Tập đoàn Trung Nam lỗ đậm, ôm khối nợ hơn 65.000 tỷ đồng
Ảnh minh họa |
VNDirect có sự "nhạy cảm" nhất định với các thông tin từ Trung Nam do đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu của doanh nghiệp này. Hiện chưa rõ số lượng cụ thể, nhưng tại thời điểm 30/9, báo cáo tài chính của VNDirect thể hiện công ty đang đầu tư 13.136 tỷ đồng vào trái phiếu, trong khi vốn chủ sở hữu là 19.464 tỷ đồng.
Trước đó, vào nửa cuối năm 2022, thị trường trái phiếu bị siết chặt với sự đổ vỡ của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, SCB... đã tác động không nhỏ đến VNDirect khi nhiều tin đồn tiêu cực liên quan đến Trung Nam xuất hiện. Cổ phiếu VND khi ấy rơi về dưới 10.000 đồng/cp, khiến bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch VNDirect, và ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch Trung Nam, phải tổ chức buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 10/2022.
“Mọi người nói ông Thịnh bị bắt rồi, tôi ngồi đây tôi thu tiền chứ. Doanh thu của tôi một năm hơn 8.000 tỷ, trả lãi 2.800 tỷ không là vấn đề gì với chúng tôi" - ông Thịnh trấn an.
Vấn đề trái phiếu Trung Nam tiếp tục được nhiều nhà đầu tư đưa ra bàn luận tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, tổ chức vào cuối tháng 6. Tại đây, bà Hương cũng một lần nữa khẳng định: "Trường hợp xấu nhất nếu Trung Nam gặp vấn đề, VNDirect cũng có thiệt hại nhưng không quá lớn. Bởi chúng tôi làm gì cũng đều tính toán".
VNDirect: Thị phần bị đối thủ lấn át, đầu tư kém duyên
Bên cạnh vấn đề trái phiếu Trung Nam, kết quả kinh doanh của VNDirect cũng không thật sự khả quan trong thời gian gần đây. Công ty đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 với doanh thu đạt 1.270 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.
Cả ba hoạt động kinh doanh cốt lõi, gồm tự doanh, môi giới và cho vay margin, đều sụt giảm mạnh. Cụ thể, hoạt động tự doanh (FVTPL) lãi 678 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ; lãi từ cho vay margin đạt 313 tỷ đồng, giảm 13%; doanh thu từ nghiệp vụ môi giới đạt 168 tỷ đồng, giảm 44%. Từ đó, VNDirect ghi nhận lãi sau thuế quý III/2024 là 505 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận 4.113 tỷ đồng doanh thu và 1.467 tỷ đồng lãi sau thuế, hoàn thành 73% kế hoạch đề ra.
Nguồn: Tổng hợp |
Kết quả kinh doanh của VNDirect kém sắc trong bối cảnh doanh nghiệp này liên tục mất thị phần môi giới vào tay các đối thủ. Từ mức đỉnh 8,01% thị phần vào quý III/2023, đến quý III/2024, VNDirect chỉ còn 5,7% - mức thấp nhất trong vòng 8 năm kể từ đầu năm 2016, đồng thời rơi xuống vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng.
Hoạt động tự doanh của VNDirect cũng gặp nhiều "vận đen". Tại thời điểm 30/9, công ty đang chịu lỗ ở các cổ phiếu như VPB (lỗ 10,5 tỷ đồng), C4G (lỗ 30,9 tỷ đồng), và LTG (lỗ 63 tỷ đồng, tương ứng 55% tổng vốn đầu tư). Đáng chú ý, cổ phiếu LTG, vốn đang đối mặt với bất ổn nội bộ, tiếp tục lao dốc, giảm thêm 43% từ sau ngày 30/9 đến 5/12.
>> Cổ phiếu VNDirect ngấm đòn sau 8 tháng 'sập' hệ thống, rủi ro từ danh mục trái phiếu Trung Nam