Volkswagen, Mercedes và BMW chao đảo, ông Trump muốn biến các 'đại gia' ô tô Đức hóa thành các công ty Mỹ
Đối với Đức, viễn cảnh Mỹ áp thuế đối với ô tô châu Âu xuất hiện vào thời điểm các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) hàng đầu của nước này cũng đang phải vật lộn với khó khăn.
Đức lo ngại thuế quan từ ông Trump sớm muộn cũng “ập xuống đầu”
Lời cam kết áp thuế toàn bộ đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ của Tổng thống đắc cử Donald Trump  có thể gây thiệt hại cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu, trong đó ngành ô tô đang gặp khủng hoảng của Đức được cho là đặc biệt dễ bị tổn thương.
Phát biểu trong chiến dịch tranh cử vào cuối tháng 9 năm 2024, ông Trump tuyên bố mong muốn biến các hãng ô tô lớn của Đức thành các công ty xe hơi Mỹ.
“Tôi muốn các công ty ô tô Đức trở thành các công ty ô tô Mỹ. Tôi muốn họ xây dựng nhà máy của họ ở đây”, ông Trump phát biểu tại thành phố Savannah, bang Georgia, Hoa Kỳ. Ông nói thêm rằng từ “thuế quan” là “một trong những từ đẹp nhất mà tôi từng nghe” và “thật tuyệt vời đối với đôi tai tôi”.
Kể từ đó, ông Trump đã công bố kế hoạch áp dụng thuế quan mới đối với Trung Quốc, Canada và Mexico. Tân Tổng thống Mỹ tuyên bố đây sẽ là một trong những hành động đầu tiên của mình khi nhậm chức trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình bắt đầu từ ngày 20/1/2025. Các biện pháp bao gồm thuế quan bổ sung 10% đối với tất cả sản phẩm của Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ và thuế quan 25% đối với tất cả hàng hóa đến từ Canada và Mexico.
>> Ngành xe điện Mexico 'tiến thoái lưỡng nan' sau tuyên bố thuế quan cứng rắn của ông Trump 
Châu Âu không được nhắc đến trong thông báo áp thuế đầu tiên của ông Trump, nhưng các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ lo ngại rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Tổng thống đắc cử của nước Mỹ chuyển sự chú ý sang lĩnh vực ô tô của khối 27 quốc gia này.
Ông Rico Luman, chuyên gia kinh tế cấp cao về vận tải và hậu cần tại ngân hàng ING của Hà Lan cho biết ngành ô tô của Đức dường như chịu ảnh hưởng đáng kể từ các mối đe dọa áp thuế của ông Trump.
Đức là nước xuất khẩu ô tô chở khách lớn nhất châu Âu sang Mỹ, chiếm 23 tỷ euro (24,1 tỷ USD) giá trị xuất khẩu vào năm ngoái, theo dữ liệu do cơ quan thống kê Eurostat và ING Research biên soạn. Con số này chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của “nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới” sang Hoa Kỳ
Ông Luman cho biết, việc áp thuế tiềm tàng đối với các nhà sản xuất ô tô của Đức sẽ khiến tình hình vốn đã tồi tệ càng trở nên bi đát hơn.
″Đó (ngành công nghiệp ô tô Đức) là trái tim của ngành sản xuất, đúng không nào?” ông Luman nói với hãng tin CNBC qua cuộc gọi video. “Vì vậy, ngành công nghiệp ô tô cuối cùng sẽ liên kết với ngành công nghiệp thép và ngành công nghiệp hóa chất, điều đó dẫn đến việc toàn bộ chuỗi cung ứng đều liên quan đến điều này”.
Volkswagen, BMW và Mercedes-Benz liệu có chuyển “quốc tịch” Mỹ?
Trong khi một số nhà phân tích không đánh giá cao lời cam kết của ông Trump về việc biến các công ty ô tô Đức thành công ty ô tô Hoa Kỳ, họ vẫn cảnh báo rằng mức thuế quan bổ sung của Mỹ sẽ làm gia tăng những thách thức mà ngành công nghiệp ô tô toàn cầu phải đối mặt.
Ông Michael Robinet, Giám đốc điều hành bộ phận tư vấn ô tô tại S&P Global Mobility trả lời CNBC qua cuộc gọi video rằng: “Đó là lời hùng biện trong chiến dịch tranh cử (của ông Trump), nhưng sẽ có một số áp lực lên hàng nhập khẩu, dù là thông qua thuế quan hay một số hành động đơn phương khác”.
Ông nói thêm: “Một vấn đề vẫn khiến nhiều nhà kinh tế lo ngại, bao gồm cả tôi, là tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn quanh quẩn ở mức 4%, do đó, việc cố gắng tạo thêm nhiều việc làm tại nước này sẽ là vấn đề”.
>> Ông Biden muốn ông Trump "xoay ngược" chính sách thuế 
Đối với Đức, viễn cảnh Mỹ áp thuế đối với ô tô châu Âu xuất hiện vào thời điểm các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) hàng đầu của nước này cũng đang phải vật lộn với khó khăn.
Volkswagen, Mercedes-Benz Group và BMW đều đã đưa ra cảnh báo lợi nhuận sụt giảm trong những tháng gần đây, với lý do kinh tế suy yếu và nhu cầu ảm đạm tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Ngoài thuế quan mà ông Trump đề xuất đối với Trung Quốc, Canada và Mexico, Tổng thống Mỹ đắc cử đã tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế chung 10% hoặc 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu lời cam kết này có trở thành chính sách của “xứ sở cờ hoa” hay không.
“Chúng tôi đang đánh giá mức thuế mà ông Trump đề xuất”, người phát ngôn của Volkswagen trả lời CNBC qua email.
Công ty ô tô lừng danh có trụ sở tại Wolfsburg (Đức) cho biết hơn 90% số xe mà họ hiện đang bán trên thị trường Hoa Kỳ được sản xuất tại Bắc Mỹ và đáp ứng các tiêu chí để được miễn thuế theo Hiệp định Thương mại Tự do giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico (USMCA).
Tuy nhiên, người ta cho rằng đề xuất áp thuế của ông Trump đối với Canada và Mexico sẽ chấm dứt USMCA.
Trong khi đó, Mercedes-Benz cho biết họ sử dụng hơn 11.000 người lao động tại Mỹ, chủ yếu để sản xuất xe ô tô chở khách và xe tải tại 12 địa điểm chính. “Chúng tôi mong muốn có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với chính quyền mới tại Hoa Kỳ”, một người phát ngôn của “ông lớn” ô tô Đức nói với CNBC.
BMW, công ty từ chối bình luận về triển vọng đe dọa áp thuế của ông Trump, hiện có mặt tại khoảng 30 địa điểm trên khắp 12 tiểu bang của Mỹ, bao gồm cơ sở sản xuất BMW lớn nhất thế giới tại Spartanburg, Nam Carolina.
Cổ phiếu của Volkswagen và BMW đều giảm khoảng 23% tính đến thời điểm hiện tại, trong khi cổ phiếu của Mercedes-Benz Group giảm khoảng 13% trong cùng khung thời gian.
“Mọi người chỉ cần sẵn sàng”
Bà Julia Poliscanova, Giám đốc cấp cao về xe cộ và chuỗi cung ứng phương tiện di chuyển điện tử tại nhóm vận động Transport & Environment, trả lời CNBC qua cuộc gọi video rằng: “Ông Trump muốn áp thêm thuế quan, vì vậy mọi người chỉ cần sẵn sàng”.
Bà Poliscanova cho biết thêm: “Tôi nghĩ điều quan trọng là châu Âu phải tiếp tục con đường của mình, dù là Thỏa thuận Xanh châu Âu hay chương trình nghị sự điện khí hóa. Ông Trump có nguy cơ khiến nước Mỹ tụt hậu trong nhiều lĩnh vực công nghệ sạch và xe điện, vì vậy, đây thực sự là cơ hội để châu Âu tăng tốc cùng lúc”.
“Trong ngắn hạn, đây sẽ là tin xấu, ví dụ, đối với các nhà sản xuất ô tô Đức, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải hiểu rằng đây chính là thế giới. Và chúng ta chỉ cần làm những gì tốt nhất cho châu Âu và lợi ích công nghiệp của châu Âu. Điều đó không thể trì hoãn”, bà Poliscanova nói thêm.
Theo CNBC
Ông Trump sẽ khiến chính sách đảo ngược 180 độ, thị trường xe điện Mỹ sắp có biến lớn? 
Ukraine mất 50% lãnh thổ kiểm soát ở Kursk, ông Trump lên án chính quyền Biden