Sau nhiều quý lợi nhuận giảm sâu, đến quý II/2022, VTC bất ngờ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trở lại.
Theo Báo cáo tài chính quý II/2022 mới được CTCP Viễn thông VTC công bố, doanh thu quý này của công ty bất ngờ đạt 114 tỷ, tương đương tăng 115% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn cũng đạt ngưỡng 96 tỷ, tăng 123%. Kết quả, lợi nhuận gộp quý II của VTC đạt 19 tỷ đồng - gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Trong quý, chi phí tài chính của VTC cũng tăng gấp 2 lần lên mức 3,3 tỷ đồng trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay (chiếm tới 2,5 tỷ đồng); chi phí bán hàng và chi phí quản lý đồng loạt tăng nhẹ và đạt gần 4 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần quý II của VTC đạt gần 7 tỷ đồng, tăng 250% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc quý II/2022, lợi nhuận sau thuế của VTC là 6 tỷ đồng, tăng 50% so với quý II năm trước.
Do tình hình kinh doanh quý I không khả quan, bán niên năm nay, VTC ghi nhận doanh thu đạt 130 tỷ - tăng 69% trong đó doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ khi lần lượt đạt 55 tỷ đồng và 56 tỷ đồng - tương đương chiếm 42% và 44% tổng doanh thu; doanh thu bán hàng thành phẩm cũng chiếm 14%.
Sau nửa đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lần lượt đạt 3,6 tỷ đồng và 2,5 tỷ - tương đương tăng 100% và 92% so với bán niên 2021; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là hơn 14 tỷ đồng. EPS 6 tháng đầu năm đạt 473,81 đồng/cổ phiếu.
Tính đến ngày 30/6, tài sản dài hạn của VTC có sự suy giảm nhưng không đáng kể. Trong khi đó, tài sản ngắn hạn là 266 tỷ - tăng 19% so với đầu kỳ; nợ ngắn hạn phải trả cũng tăng 25% khi đạt ngưỡng 207 tỷ đồng; tiền và tương đương tiền cuối kỳ là 11 tỷ đồng - giảm gần 60%.
Đáng chú ý, với kết quả kinh doanh này, VTC mới chỉ đạt được 45% kế hoạch doanh thu năm 2022. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế và sau thuế đã lần lượt đạt 94% và 100% kế hoạch năm.
Trên thị trường chứng khoán, với khối lượng cổ phiếu lưu hành chỉ vỏn vẹn 4,5 triệu cổ phiếu, VTC là mã thường xuyên góp mặt trong danh sách chứng khoán không có thanh khoản do cơ cấu cổ đông cô đặc.
Cụ thể, 2 cổ đông lớn tại công ty này là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và cổ đông Lưu Xuân Tiến đang lần lượt nắm giữ 2,1 triệu và 0,9 triệu cổ phiếu - tương đương 47% và 21% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành.