Vụ bê bối rung chuyển thị trường nước ngoài lớn nhất của BYD: 163 công nhân Trung Quốc làm việc 'như nô lệ', trở thành nạn nhân trong vụ buôn người
Một vụ bê bối liên quan đến cáo buộc buôn người đang làm rung chuyển hoạt động của BYD tại Brazil, thị trường lớn nhất của hãng xe điện Trung Quốc này bên ngoài thị trường nội địa.
Theo tuyên bố của cơ quan lao động Brazil, 163 công nhân Trung Quốc tại công trường xây dựng thuộc sở hữu của BYD đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người.
BYD và nhà thầu Jinjiang Group đã đồng ý hỗ trợ và bố trí chỗ ở khách sạn cho các công nhân cho đến khi đạt được thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, theo tuyên bố của Văn phòng Công tố viên Lao động Brazil sau cuộc gặp với đại diện của hai công ty.
Tuy nhiên, Jinjiang đã phản đối đánh giá của cơ quan chức năng Brazil, bác bỏ cáo buộc về việc công nhân làm việc trong "điều kiện như nô lệ" và cho rằng đây là sự hiểu lầm trong dịch thuật.
Ban đầu, BYD cho biết đã cắt đứt quan hệ với Jinjiang, nhưng sau đó một giám đốc điều hành của họ lại cáo buộc "các thế lực nước ngoài" và một số phương tiện truyền thông Trung Quốc cố tình làm xấu hình ảnh các thương hiệu Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đại sứ quán nước này đang làm việc với chính phủ Brazil  để xác minh và giải quyết tình huống.
Các công tố viên Brazil đã thu thập được bằng chứng về điều kiện làm việc tồi tệ tại công trường. Video được công bố cho thấy khu vực sinh hoạt của công nhân có giường tầng không nệm, họ phải làm việc với giờ giấc kéo dài, đôi khi làm việc cả tuần không nghỉ trong điều kiện được mô tả là ‘nhục nhã’.
Theo luật Brazil, ‘điều kiện như nô lệ’ không chỉ bao gồm lao động cưỡng bức mà còn bao gồm điều kiện làm việc phi nhân phẩm, giờ làm việc quá dài ảnh hưởng sức khỏe và tình trạng nợ nần.
Vụ việc này đang gây ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch mở rộng toàn cầu của BYD. BYD  đang xây dựng nhà máy tại Brazil với mục tiêu sản xuất 150.000 xe ô tô, dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm tới. Brazil là thị trường quan trọng của BYD, chiếm gần một phần năm doanh số bán hàng của hãng này bên ngoài Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2024.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, vụ việc đã kích động một cuộc thảo luận hiếm hoi về quyền lợi công nhân, với nhiều ý kiến cho rằng điều kiện sống của công nhân ở Brazil tương tự như tại các công trường xây dựng ở Trung Quốc.
Hu Xijin, cựu tổng biên tập tờ Global Times, đã kêu gọi BYD nâng cao tiêu chuẩn hoạt động để phù hợp với vị thế ngày càng tăng của mình trên trường quốc tế.
BYD, dự báo sẽ bán được nhiều xe hơn Ford và Honda trên toàn cầu trong năm nay, đang trong quá trình mở rộng mạnh mẽ cả trong và ngoài nước, tăng công suất và thực hiện một chiến dịch tuyển dụng quy mô lớn. Công ty này có gần 1 triệu nhân viên tính đến tháng 9.
Mặc dù vẫn bán hơn 90% sản phẩm tại Trung Quốc, BYD đã xây dựng các nhà máy sản xuất xe hành khách tại Hungary, Mexico, Thái Lan, Uzbekistan và Brazil để phục vụ các thị trường quốc tế chủ chốt và tăng cường đầu tư vào marketing quốc tế.
Theo Reuters
>> Phát hiện 163 công nhân phải làm việc 'như nô lệ' ở công trường xây dựng nhà máy BYD