Vụ FLC: Gần 200 người liên quan hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Trịnh Văn Quyết không bị xử lý hình sự

26-02-2024 09:23|Lan Phương

Cựu Phó Chủ tịch thường trực HĐQT FLC Hương Trần Kiều Dung và Phó Tổng Giám đốc Faros Nguyễn Thiện Phú là 2 người duy nhất không phản bác cáo buộc, kết luận điều tra, trong khi, ông Trịnh Văn Quyết và 22 bị can khác từ chối nhận tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 24/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án Thao túng chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.

Theo đó, C01 lần đầu đề nghị truy tố 4 cựu lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM là ông Trần Đắc Sinh, cựu chủ tịch HĐQT; Lê Hải Trà, cựu ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết; Trầm Tuấn Vũ, nguyên Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch hội đồng niêm yết, Lê Thị Tuyết Hằng, Giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên Hội đồng niêm yết.

Cả 4 bị can bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, riêng bà Hằng được tại ngoại.

Ngoài ra, 3 người khác bị đề nghị tội Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán là Lê Công Điền, Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Dương Văn Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam; Phạm Minh Trung, Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Ông Trịnh Văn Quyết và 7 người khác bị điều tra 2 tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 13 người bị cáo buộc Thao túng thị trường chứng khoán và 22 người tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Quyết; Trịnh Văn Đại - Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc ROS; Đỗ Như Tuấn, Phó Tổng Giám đốc FLC và 20 bị can khác trong giai đoạn điều tra bổ sung phủ nhận cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

187 người liên quan hành vi lừa đảo của Trịnh Văn Quyết không bị xử lý hình sự
187 người đứng tên đại diện pháp luật, nhân viên các công ty của hệ sinh thái FLC và người thân, bạn bè giúp nhóm ông Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tạo dòng tiền khống để hợp thức, che giấu số vốn góp khống trước khi niêm yết của Faros

Duy nhất chỉ có cựu Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung và Phó Tổng Giám đốc Faros Nguyễn Thiện Phú không phản bác cáo buộc, kết luận điều tra nêu.

Bà Dung thừa nhận được ông Quyết trao đổi và biết rõ mục đích nâng khống vốn, niêm yết cổ phiếu để huy động vốn từ nhà đầu tư. Từ đó, bà Dung đã ký các hợp đồng chứng từ để giúp ông Quyết hợp thức dòng tiền tăng vốn khống.

Ngoài ra, C01 kết luận, từ năm 2016 đến 2022, còn có 187 người đứng tên đại diện pháp luật, nhân viên các công ty của hệ sinh thái FLC và người thân, bạn bè của ông Quyết có liên quan đến hành vi lừa đảo. Họ bị xác định đã ký các chứng từ như ủy nhiệm chi, giấy rút tiền, nộp tiền, sec, để nhóm ông Quyết làm thủ tục tạo dòng tiền khống. Mục đích của hành vi này để hợp thức, che giấu số vốn góp khống trước khi niêm yết của Faros.

Cảnh sát cho rằng những người trên có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Che giấu tội phạm. Tuy nhiên, họ khi ký chứng từ đều không biết rõ bản chất sự việc và chỉ thực hiện ở từng khâu đơn lẻ. Những người này cũng không tham gia vào lập hồ sơ góp vốn, không được trao đổi nên C01 không xem xét xử lý hình sự.

>> Lãnh đạo HoSE thừa nhận mối quan hệ với ông Trịnh Văn Quyết, vén màn quá trình niêm yết nhiều sai phạm của FLC Faros

Vụ FLC Faros: Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 21 bị can phủ nhận cáo buộc lừa đảo

Cựu Tổng Giám đốc HoSE Lê Hải Trà - 'hạt giống' chưa kịp đơm hoa

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-flc-gan-200-nguoi-lien-quan-hanh-vi-lua-dao-chiem-doat-tai-san-cua-ong-trinh-van-quyet-khong-bi-xu-ly-hinh-su-224205.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Vụ FLC: Gần 200 người liên quan hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Trịnh Văn Quyết không bị xử lý hình sự
    POWERED BY ONECMS & INTECH